Sử dụng hiệu quả vốn dư QL1, đường HCM qua Tây Nguyên

Sáng qua (1/3), Ban cán sự Đảng Bộ GTVT đã có buổi họp bàn công tác triển khai các dự án sử dụng nguồn vốn dư tại các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên.
Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo tại buổi họp sáng 1/3
Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo tại buổi họp sáng 1/3

Không có cửa cho tư vấn yếu, nhà thầu kém

Báo cáo Ban cán sự về một số cơ chế triển khai các dự án sử dụng nguồn vốn dư tại các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) Trần Xuân Sanh đề xuất: “Tư vấn nào không đảm bảo yêu cầu của giai đoạn 1, không bố trí giai đoạn này đồng thời giao TCT Tư vấn Thiết kế GTVT - CTCP (TEDI) làm tư vấn tổng thể”.

- Trong sáng qua, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ GTVT cũng họp bàn nhiều vấn đề quan trọng gồm Công tác triển khai xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án quy hoạch chiến lược 2 tháng đầu năm, kế hoạch tháng 3; Các công trình, dự án dự kiến khởi công khánh thành năm 2016; Vấn đề phí, giá sử dụng đường sắt…

- Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tổ chức các cuộc họp chuyên đề quan trọng liên quan đến việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, đặc biệt là các dự án BOT đang có nguy cơ chậm tiến độ. Cùng đó là cuộc họp riêng bàn về vốn, tiến độ các dự án ODA cũng như chuyên đề riêng về vốn cho các dự án đầu tư, xây dựng đường cao tốc sao cho đảm bảo từ nay đến năm 2020 có thể hoàn thành tối thiểu 1.400 km đường cao tốc.

Tư vấn thẩm tra thiết kế, theo đề xuất của ông Sanh, sẽ được lựa chọn trong số các đơn vị đã thực hiện tốt các dự án nâng cấp mở rộng QL1, đường HCM qua Tây Nguyên; Tư vấn thẩm tra dự toán mời Viện Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng; Tư vấn giám sát sẽ được lựa chọn tương tự như đối với tư vấn khảo sát, thiết kế, đồng thời phải là những tư vấn đã được xếp hạng trong TOP 10 theo công bố của Bộ GTVT.

Đối với nhà thầu xây lắp, ông Sanh đề xuất không lựa chọn các nhà thầu bị đánh giá “chưa đáp ứng yêu cầu” và nhà thầu “trung bình” được công bố tại Quyết định 1450 của Bộ GTVT. Các nhà thầu bị chấm dứt hợp đồng, cắt, điều chuyển khối lượng do không đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, tiến độ và bị hằn lún vệt bánh xe cũng sẽ không có cơ hội tham gia dự án lần này.

“Cục QLXD&CLCTGT sẽ rà soát, đảm bảo một nhà thầu không thực hiện đồng thời nhiều gói thầu vượt quá điều kiện năng lực”, ông Sanh nói thêm.

Liên quan đến tiến độ triển khai ông Sanh cho biết, việc phê duyệt dự án đầu tư sẽ hoàn thành trước 15/3. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu và danh sách nhà thầu sẽ được trình trước ngày 20/3. Sau đó, đến 28/3 sẽ hoàn tất lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế; Trước 30/4 trình hồ sơ thiết kế và dự toán. Việc lựa chọn nhà thầu xây lắp sẽ hoàn thành trước 15/5 để có thể khởi công các dự án trước ngày 1/6/2016 và hoàn thành vào cuối năm 2016.

Cần cơ chế mới để thống nhất triển khai ngay từ đầu

Chỉ đạo vấn đề này, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, sẽ có khoảng gần 18 nghìn tỷ đồng vốn dư, gồm 14 nghìn tỷ của đợt 1 và khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng của đợt 2. “Đây là số tiền không hề nhỏ, việc xây dựng một quy chế để quản lý và thực hiện là rất cần thiết, thống nhất cho tất cả các ban quản lý dự án trên cả nước”, Thứ trưởng nói và nêu rõ, phải ban hành một cơ chế mới để triển khai thống nhất ngay từ đầu. Cơ chế này phải hoàn thiện trước 15/3 để thực hiện vào cuối tháng 3.

Cơ bản thống nhất với các đề xuất của Cục QLXD&CLCTGT, Thứ trưởng Trường cũng nhấn mạnh nguyên tắc bất di bất dịch là không được vượt tổng mức đầu tư, không được vượt dự toán. Chi phí dự phòng cũng phải được tính toán cho phù hợp, chỉ nên khoảng 5 - 7%. Các nhà thầu phải đảm bảo tiến độ các dự án đúng theo tinh thần khẩn trương, quyết liệt, kết thúc trước Tết Âm lịch.

Chuyên đề