Sử dụng hiệu quả nguồn lực bắt đầu từ quy hoạch tốt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 chưa đạt yêu cầu đề ra. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đầu tư cho công tác quy hoạch. Có được quy hoạch tốt thì mới có các đề án tốt, dự án tốt và từ đó mới có được nhà đầu tư tốt, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công, phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả.
Năm 2021, dự kiến có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2021, dự kiến có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ảnh: Lê Tiên

Tiến độ lập quy hoạch chưa đạt yêu cầu

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến về công tác quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn về triển khai lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030 đã được các cấp có thẩm quyền ban hành cơ bản đầy đủ và đồng bộ. Dự kiến trong năm 2021, sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022. Tuy nhiên, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 chưa đạt được yêu cầu đã đề ra.

Một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế của công tác quy hoạch đã được các địa phương chỉ ra. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, Hà Nội đang nỗ lực để báo cáo về quy hoạch Thành phố vào cuối năm 2021. Hà Nội đang phải cùng lúc thực hiện song song và điều chỉnh một số quy hoạch, trong đó có bổ sung quy hoạch không gian ngầm của Thành phố; điều chỉnh một số quy hoạch của Thủ đô liên quan tới việc đưa 5 huyện lên quận, xây dựng đường Vành đai 4…

Là một trong 2 địa phương vẫn chưa trình nhiệm vụ lập quy hoạch để thẩm định, đại diện TP.HCM cho biết, tiến độ thực hiện của TP.HCM bị ảnh hưởng chủ yếu liên quan tới vấn đề xác định nguồn vốn cho công tác quy hoạch. Công tác quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia sử dụng vốn đầu tư công. Do vậy, nhiều quy hoạch phải chờ kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua mới có cơ sở triển khai thực hiện.

Một số địa phương như Điện Biên, Nghệ An… chia sẻ, quy hoạch tỉnh được lập khi các quy hoạch cấp trên (quốc gia, vùng, ngành) chưa được ban hành, các khung định hướng cũng chưa có dẫn đến nội dung của quy hoạch cấp dưới khó cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án phát triển của các quy hoạch cấp trên. Mặt khác, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 của nhiều địa phương. Nhiều đơn vị không tiếp cận được thực địa để khảo sát, nghiên cứu và lập quy hoạch.

Triển khai đồng bộ các quy hoạch

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc triển khai đồng thời các quy hoạch cấp quốc gia và các quy hoạch cấp dưới là vấn đề đã được Quốc hội cho phép, không thể chờ đợi vì có thể sẽ lỡ mất cơ hội phát triển của địa phương. Song, phải sớm có khung định hướng của các quy hoạch quốc gia (quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch ngành quốc gia) để làm căn cứ định hướng cho các quy hoạch tỉnh triển khai trên tinh thần không cát cứ mà phải chia sẻ thông tin để làm đồng thời. Hiện Bộ KH&ĐT đã tổ chức hoàn thiện Khung định hướng quy hoạch quốc gia, dự kiến trình Hội đồng Quy hoạch quốc gia xem xét, thông qua vào tháng 10/2021.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu quy hoạch các cấp cần có cái nhìn tổng thể, toàn diện, bao quát, đi trước 1 bước, thể hiện những định hướng, cụ thể hóa nghị quyết của các cấp đã đề ra trên cơ sở bám sát tiềm năng phát triển, cơ hội, lợi thế cạnh tranh… của bộ, ngành, địa phương mình. Các bộ, ngành phải công bố khung định hướng của quy hoạch quốc gia để địa phương cụ thể hóa trong quy hoạch tỉnh.

“Chúng ta không thể dự báo hết được mọi việc, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm trên tinh thần không cầu toàn, không nóng vội nhưng phải đặt mục tiêu hiệu quả làm đầu”, Thủ tướng nhấn mạnh. Với việc phải triển khai song song thực hiện quy hoạch các cấp, vấn đề quan trọng là tăng cường trao đổi giữa các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần đừng quá câu nệ thủ tục hành chính, phải phối hợp thật tốt để cùng bàn, cùng trao đổi, ngồi với đội ngũ tư vấn để làm, không được phó mặc cho tư vấn mà chúng ta phải là “người quyết cuối cùng”.

Thủ tướng yêu cầu bám sát, tôn trọng và lấy thực tiễn làm thước đo để chỉnh sửa các vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác quy hoạch. Nếu vướng ở cấp nào thì cấp đó phải giải quyết; những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, đề xuất chỉnh sửa ngay; nếu vướng ở luật thì phân tích, tổng hợp các nguyên nhân khách quan, chủ quan để đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Chuyên đề