Sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cần tiếp tục có giải pháp sử dụng, khai thác hiệu quả nhất hai nguồn lực quan trọng của đất nước cho phát triển kinh tế - xã hội, đó là nguồn lực đầu tư phát triển của Nhà nước và nguồn lực huy động từ khu vực tư nhân. Khi hai nguồn lực này được sử dụng hiệu quả, hạ tầng giao thông, văn hóa, xã hội phát triển thì doanh nghiệp sẽ tự đến đầu tư, đất nước sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.
Rất nhiều lĩnh vực có thể áp dụng đầu tư PPP, từ hợp tác quản lý trụ sở đến công viên, sân vận động…
Rất nhiều lĩnh vực có thể áp dụng đầu tư PPP, từ hợp tác quản lý trụ sở đến công viên, sân vận động…

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành KH&ĐT diễn ra ngày 4/1/2022.

Nắn dòng đầu tư công đi đúng trọng tâm, trọng điểm

Theo ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, kinh nghiệm giải ngân đầu tư công của Tỉnh là cơ cấu lại vốn đầu tư công, giảm công trình không cần thiết, tập trung công trình động lực, trọng điểm. Vốn ngân sách trung ương bố trí năm 2022 chỉ tập trung cho 12 dự án và năm 2023 dồn vốn cho 9 dự án động lực.

Kinh nghiệm tốt của Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ nhắc lại khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, khẳng định cần phải quyết liệt thực hiện chủ trương cắt giảm, hạn chế dàn trải trong đầu tư công. Đây cũng là giải pháp quan trọng để đẩy nhanh giải ngân, nhanh chóng đưa dòng vốn đầu tư công vào nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Bộ KH&ĐT đã tham mưu, đề xuất cắt giảm 5.000 dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025; định hướng, nắn dòng đầu tư công đi đúng trọng tâm, trọng điểm, góp phần hạn chế dàn trải, chia cắt, kém hiệu quả trong đầu tư công. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là tư tưởng xuyên suốt của Chính phủ trong nhiệm kỳ này và sẽ còn cắt giảm nữa.

“Địa phương cũng phải chọn, cần thì cắt bớt đi, đầu tư ra tấm ra món, làm những dự án tiếp tục sinh ra tiền mới gọi là đầu tư phát triển. Cứ bố trí vốn manh mún, để kéo dài, đội vốn, thanh tra kiểm tra, kỷ luật, rất đau lòng. Địa phương đừng chạy chọt việc này. Đây là chủ trương lớn cần thực hiện nghiêm”, Thủ tướng nói và giao cho Bộ KH&ĐT tiếp tục chú trọng nhiệm vụ này trong thời gian tới, làm sao để nguồn lực nhà nước được sử dụng hiệu quả.

Thủ tướng lưu ý, với nguồn vượt thu ngân sách nhà nước năm 2022 là 392.000 tỷ đồng, cần ưu tiên cho tăng lương, xử lý các vấn đề cấp bách, đột xuất và đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược, góp phần thực hiện bằng được mục tiêu Đại hội XIII của Đảng là tới năm 2025, cả nước có 3.000 km cao tốc và tới năm 2030 có 5.000 km cao tốc để tạo không gian, động lực phát triển mới cho đất nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát phân bổ nguồn lực. Thủ tướng lấy ví dụ, trước đây đầu tư các tuyến cao tốc chỉ do Bộ Giao thông vận tải triển khai, nhưng trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã bố trí được số vốn lên tới 470.000 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng giao thông, cao gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước, nếu làm theo cách trước đây thì không thể thực hiện được. Trong khi đó, nếu được phân cấp, phân quyền, giao nhiệm vụ thì các tỉnh, thành phố rất phấn khởi và có động lực để triển khai vì các dự án cao tốc gắn liền với sự phát triển của địa phương. Thực tiễn đã cho thấy cách làm mới là phù hợp, hiệu quả.

Đầu tư ra tấm ra món, làm những dự án tiếp tục sinh ra tiền mới gọi là đầu tư phát triển. Ảnh minh họa: Tiên Huyền

Đầu tư ra tấm ra món, làm những dự án tiếp tục sinh ra tiền mới gọi là đầu tư phát triển. Ảnh minh họa: Tiên Huyền

Huy động tối đa nguồn lực xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực từ xã hội là rất quan trọng, cần có giải pháp huy động tối đa.

Theo một số địa phương, bên cạnh đầu tư cho hạ tầng giao thông, nhu cầu đầu tư cho hạ tầng văn hóa, xã hội, thể dục thể thao… rất lớn. Đây cũng là những lĩnh vực mà khu vực tư nhân quan tâm, có thể tham gia đầu tư và mong muốn quy định về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ mở rộng lĩnh vực.

Thủ tướng cho rằng, rất nhiều lĩnh vực có thể áp dụng đầu tư PPP, từ hợp tác quản lý trụ sở đến công viên, sân vận động… Ví dụ, Công viên Thống Nhất của Hà Nội cứ đấu thầu cho doanh nghiệp quản lý, Nhà nước không mất gì, làm tốt thì cho phép làm tiếp, không thì thu hồi. Hay Sân vận động Mỹ Đình lớn như vậy không khai thác được, cứ trông chờ Nhà nước thì không hiệu quả, cần kêu gọi tư nhân tham gia quản lý, vận hành.

Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT nghiên cứu kỹ vấn đề mở rộng phạm vi áp dụng đầu tư PPP, trên tinh thần huy động tối đa nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, nguồn lực Nhà nước là vốn mồi, kích hoạt huy động nguồn lực ngoài xã hội.

“Vấn đề quan trọng khi thực hiện PPP là đánh giá đúng, khách quan, trên nguyên tắc người dân - doanh nghiệp - Nhà nước hài hòa lợi ích. Mạnh dạn tháo các nút thắt cùng huy động thêm nguồn lực, trí tuệ của khu vực tư nhân cho phát triển. Đầu tư PPP phải tích cực hơn nữa”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn ba đột phá chiến lược

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, trong năm 2022, Bộ đã có ý kiến đối với hồ sơ trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án đầu tư, dự án đầu tư kinh doanh đối với 38 dự án. Trong đó có 9 dự án PPP, 15 dự án đầu tư có sử dụng đất, 2 dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật về xã hội hóa, 12 dự án đầu tư kinh doanh. Khi các dự án hoàn thành sẽ huy động được nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ KH&ĐT cũng cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn nữa ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về kết cấu hạ tầng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Tiếp tục đặt trọng tâm vào tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế.

Chuyên đề