S&P 500 và Nasdaq cùng lập kỷ lục mới, giá dầu tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
Công nghệ là nhóm cổ phiếu dẫn đầu sự tăng điểm của chứng khoán Mỹ phiên này...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (30/8), khi thị trường duy trì đà tăng trong những phiên cuối cùng của tháng 8. Giá dầu thô cũng đi lên, nối dài xu hướng tăng mạnh của tuần trước.

Thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall tăng 0,43%, đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại 4.528,79 điểm. Chỉ số Nasdaq cũng lập kỷ lục mới khi tăng 0,9%, chốt ở 15.265,89 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones đuối sức, giảm 0,16%, còn 35.399,84 điểm.

Công nghệ là nhóm cổ phiếu dẫn đầu sự tăng điểm của chứng khoán Mỹ phiên này. Microsoft và Netflix tăng 1,3% mỗi cổ phiếu, trong khi Apple tăng 3%.

Ngược lại, tài chính là nhóm gây áp lực giảm lên toàn thị trường phiên, điển hình là cổ phiếu Capital One với mức giảm 6% và Wells Fargo giảm 2,8%.

Cổ phiếu hàng không cũng sụt giảm sau khi Liên minh châu Âu (EU) khuyến nghị các quốc gia thành viên tái áp lệnh cấm đi lại không thiết yếu tới Mỹ do Covid-19 đang bùng phát mạnh ở Mỹ.

Tính đến hết phiên này, S&P 500 đã tăng 3% trong tháng 8, Dow Jones tăng 1,3%, và Nasdaq tăng 4%. Thành quả tăng này có được là nhờ nhiều yếu tố, bao gồm mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 rực rỡ. Nếu tính từ đầu năm S&P 500 đã tăng 20%.

“Chúng tôi không thể bác bỏ hoàn toàn những rủi ro, bao gồm biến chủng Delta, gián đoạn chuỗi cung ứng, và áp lực lạm phát. Nhưng chúng tôi cũng tin rằng hiệu quả của doanh nghiệp Mỹ và sức mạnh của sự mở cửa trở lại sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận, đưa thị trường tiếp tục đi lên trong thời gian còn lại của năm 2021”, chiến lược gia Ryan Detrick của LPL Financial nhận định trong một báo cáo ngày 30/8 được hãng tin CNBC trích dẫn.

Tuần trước, chứng khoán Mỹ nhận được một “cú huých” mới sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu Fed có thể bắt đầu cắt giảm chương trình mua trái phiếu trong năm nay nhưng sẽ không vội nâng lãi suất.

Nhà phân tích Mike Wilson của ngân hàng Morgan Stanley có một quan điểm khác, cho rằng chứng khoán Mỹ có thể sớm rơi vào một điều chỉnh giảm 10%. “Với tăng trưởng GDP và lợi nhuận cao kỷ lục, lạm phát tăng, và tốc độ lây nhiễm biến chủng Delta có thể đã đạt đỉnh, Fed sẽ đối mặt sức ép lớn để rút lại những chính sách siêu nới lỏng. Chúng tôi kỳ vọng Fed sẽ phát một tín hiệu chính thức hơn trong cuộc họp vào tháng 9. Điều đó sẽ đồng nghĩa lãi suất tăng lên và định giá cổ phiếu giảm đi”, ông Wilson nhận định trong một báo cáo.

Giới phân tích cho rằng chứng khoán Mỹ có thể giằng co trong khoảng hẹp cho tới khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 8 vào ngày thứ Sáu tuần này. Các chuyên gia được Dow Jones khảo sát dự báo khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 750.000 công việc trong tháng 8 và tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 5,2%.

Sau khi tăng 11% trong tuần trước, giá dầu thô tiếp tục tăng trong phiên đầu tuần, do các cơ sở sản xuất và lọc dầu của Mỹ bên bờ Vịnh Mexico phải tạm ngừng hoạt động do siêu bão Ida hoành hành.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,71 USD/thùng, tương đương tăng 0,98%, đạt 73,41 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,47 USD/thùng, tương đương tăng 0,68%, đạt 69,21 USD/thùng.

Mức tăng của giá dầu bị hạn chế khi thị trường cho rằng nhóm OPEC+ sẽ không trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu.

Cuộc họp của liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối gồm Nga sẽ diễn ra vào ngày thứ 4 để thảo luận việc nâng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong kế hoạch đã đưa ra từ trước.

Việc nâng sản lượng này nằm trong kế hoạch của OPEC+ về khôi phục phần sản lượng đã cắt giảm khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu hồi năm ngoái.

Nhờ nỗ lực hạn chế sản lượng của OPEC+, giá dầu Brent đã tăng 40% trong năm nay. Gần đây, giá dầu giằng co mạnh vì giới đầu tư lúc lạc quan, lúc lo lắng về triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng khi biến chủng Delta đe doạ triển vọng phục hồi kinh tế thế giới.

Chuyên đề