Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters. |
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục trượt dốc trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (14/6), với chỉ số S&P 500 rơi sâu hơn vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) trong bối cảnh lợi suất trái phiếu đi lên và nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể tăng lãi suất mạnh hơn dự báo ban đầu.
Mối lo này cũng là nguyên nhân khiến giá dầu có một phiên đi xuống và giá tiền ảo cũng tiếp tục giảm.
Lúc đóng cửa, S&P 500 giảm 0,38%, còn 3.735,48 điểm. Chỉ số Dow Jones trượt 151,91 điểm, tương đương giảm 0,5%, còn 30.364,83 điểm. Đây là phiên giảm thứ 5 liên tiếp của hai chỉ số này.
Riêng chỉ số Nasdaq tăng 0,18%, chốt ở 10.828,35 điểm.
“Đây là một phiên giao dịch mà thị trường giữ quan điểm ‘chờ xem’. Điều này được phản ánh trong các chỉ số chính”, chiến lược gia trưởng Art Hogan của National Securities nhận định.
“Chúng ta đang bị mắc kẹt”, ông Hogan nói thêm và giải thích rằng sự giằng co là điều thường thấy trên thị trường mỗi khi có một tuyên bố quan trọng sắp được đưa ra.
Các chỉ số chạm đáy của phiên trong nửa giờ giao dịch cuối cùng, sau khi giằng co mạnh giữa tăng và giảm trong toàn bộ phiên giao dịch. Khi chốt phiên, S&P 500 có mức điểm thấp hơn 22% so với mức kỷ lục mọi thời đại. Chỉ số tham chiếu của chứng khoán Mỹ rơi vào thị trường “gấu” từ phiên ngày thứ Hai.
Phiên giảm này của chứng khoán Mỹ diễn ra khi lãi suất trên thị trường tiếp tục tăng mạnh và nhà đầu tư chờ một quyết định nâng lãi suất của Fed. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt mốc 3,48%, cao nhất trong 11 năm, trong khi lợi suất của kỳ hạn 2 năm lên mức 3,43%.
“Nếu lãi suất chưa ngừng tăng, thì thị trường còn chưa ngừng giảm”, chiến lược gia Jim Paulsen của The Leuthold Group phát biểu.
Tuy nhiên, thị trường vẫn có những điểm sáng trong phiên này. Cổ phiếu Oracle tăng hơn 10% sau khi hãng phần mềm công bố lợi nhuận khả quan nhờ nhu cầu tăng mạnh ở mảng hạ tầng đám mây. Cổ phiếu FedEx tăng 14%, mạnh nhất kể từ năm 1986, sau khi có tin hãng vận chuyển khổng lồ chuẩn bị tăng gấp rưỡi cổ tức quý.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 9 nhóm chốt phiên trong sắc đỏ, với mức giảm nhiều nhất thuộc về các nhóm tiện ích và tiêu dùng thiết yếu.
Các cổ phiếu liên quan đến du lịch và đi lại tiếp tục giảm mạnh, như Norwegian Cruise Line giảm 3,7%, Royal Caribbean giảm 4,4%, và Delta Air Lines trượt 2,5%.
Dù tăng nhẹ phiên này, chỉ số Nasdaq vẫn chìm sâu trong trạng thái thị trường “gấu”, vì mức giảm so với kỷ lục đang là hơn 30%.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,1 USD/thùng, tương đương giảm 0,9%, còn 121,17 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2 USD/thùng, tương đương giảm 0,7%, còn 118,93 USD/thùng.
Đà giảm trên thị trường tiền ảo đã chững lại. Lúc gần 8h sáng nay (15/6) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 21.904 USD, giảm gần 1,7% so với cùng thời điểm ngày hôm qua. Trong vòng 7 ngày, giá đồng tiền ảo lớn nhất thế giới đã giảm gần 30%.
Cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed sẽ kết thúc vào rạng sáng mai (16/6) theo giờ Việt Nam. Giới giao dịch đang đặt cược khả năng 90% Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm. Cách đây ít lâu, thị trường tin mức tăng lãi suất của lần họp này là 0,5 điểm phần trăm.
Trong một dòng tweet vào ngày 14/6, nhà quản lý quỹ phòng hộ nổi tiếng Bill Ackman của Pershing Square. Nói rằng Fd “đã để cho lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát. Thị trường cổ phiếu và trái phiếu vì thế đã mất niềm tin vào Fed”.
“Niềm tin của thị trường chỉ có thể phục hồi nếu Fed có hành động quyết liệt bằng cách nâng lãi suát 0,75 điểm phần trăm vào ngày mai và trong tháng 7” và đưa ra cam kết về tăng lãi suất mạnh tay cho tới khi lạm phát được khống chế - ông Ackman nhận định.