Sốt ruột khơi dòng chảy đầu tư - tài chính xanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tài chính xanh đã được triển khai tại Việt Nam khoảng 10 năm nhưng quy mô còn khiêm tốn, đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn thúc đẩy phát triển thị trường này, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh. Theo tính toán, đến năm 2040, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tính đến tháng 9/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt 664.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Tính đến tháng 9/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt 664.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Nguồn tài chính xanh còn xa tầm với

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 9/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt 664.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng hơn 7% so với cuối năm 2023. Dư nợ đã được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,2 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22% tổng dư nợ hệ thống tổ chức tín dụng và tăng 15,6% so với cuối năm 2023. Dù vậy, so với các nước phát triển, tỷ lệ dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam vẫn còn rất thấp.

Về trái phiếu xanh, giai đoạn 2016 - 2020 có tổng cộng 4 đợt phát hành trái phiếu xanh với tổng giá trị 284 triệu USD. Tính đến tháng 10/2024, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,52 tỷ USD trái phiếu xanh.

Về cổ phiếu xanh, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty trong bộ chỉ số phát triển bền vững (VNSI) gồm 20 doanh nghiệp (DN) niêm yết có điểm bền vững cao nhất trên HOSE cao hơn so với bình quân của VN-Index. Tuy vậy, VNSI hiện vẫn chưa thực sự phổ biến với thị trường, chưa mang nhiều ý nghĩa với DN, nhà đầu tư.

Trong khi đó, nhu cầu vốn cho tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040. Biến đổi khí hậu và cam kết cấp cao tại COP26 về Net Zero vào năm 2050 đòi hỏi Việt Nam phải đầu tư cho nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh, vận tải carbon thấp, quản lý nước… Quy hoạch điện VIII cũng đưa ra yêu cầu chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ đến năm 2050.

Về nguyên nhân thiếu hụt nguồn vốn cho tăng trưởng xanh, theo TS. Cấn Văn Lực, hiện Việt Nam vẫn chưa có các sản phẩm tài chính xanh đặc thù, bao gồm cả sản phẩm tín dụng xanh. Hiện chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh, chẳng hạn quy định về phân loại xanh, xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh… Việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ chuyên gia, nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn hạn chế.

Bên cạnh đó, các dự án xanh thường có thời hạn dài, có thể lên tới 20 năm, với chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn và trung hạn; thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh như ưu đãi thuế, phí; hạn mức tín dụng; lãi suất… Cho nên áp lực chi phí, đầu tư chuyển đổi xanh của DN là rất lớn.

Thực tế, theo ông Lực, nhiều công ty niêm yết cũng chưa thực sự chủ động trong việc đưa ESG (tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, quản trị) vào định hướng kinh doanh và quản trị DN. Việc phát hành cổ phiếu xanh hầu như chưa có và số DN làm báo cáo phát triển bền vững còn hạn chế.

Trong khi đó, Liên minh Châu Âu, Mỹ, hay một số quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Malaysia… đã có những bước đi rất nhanh và cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng xanh, có chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa…

Cần một kiến trúc sư trưởng để triển khai đồng bộ

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế xanh ngày 26/11 ở Hà Nội, ông Nguyễn Thành Nam - Tổng giám đốc Công ty TNHH Do Green cho rằng, công nghệ phát triển rất nhanh nên nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam chưa theo kịp thế giới là điều dễ hiểu. Nhưng ngay cả những DN đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi xanh như Do Green cũng gặp không ít khó khăn.

Theo ông Nam, Do Green ra đời năm 2016, là DN đời đầu về chế tạo dây chuyền thiết bị xử lý môi trường, xử lý rác thải, giảm phát thải carbon. Kết quả kiểm đếm tại Nhà máy sản xuất thực nghiệm tại Hưng Yên cho thấy có mức phát thải carbon âm. Một số tổ chức tài chính đã sẵn sàng cấp vốn với nguồn vốn không giới hạn, chỉ cần dự án được phê duyệt. Nếu được triển khai sẽ tạo ra tín chỉ carbon để có thể giao dịch mua bán trên thị trường. Tuy nhiên, cho đến nay, DN của ông Nam gần như không tiếp cận được các dự án cung cấp dịch vụ công xử lý rác.

“Nguyên nhân là, một số địa phương đã có dự án được quy hoạch và nhà đầu tư hiện hữu. Tại một số địa phương khác, hồ sơ mời thầu ghi rõ, định hướng sẵn cho một công nghệ xử lý rác cụ thể như: “công nghệ đốt rác”, “đốt rác phát điện”… làm hạn chế cạnh tranh. Vì thế, những DN khởi nghiệp sáng tạo có công nghệ mới, tiên tiến, giảm phát thải carbon như Do Green không “có cửa” tham dự thầu. Trong khi đó, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT đã quy định rất rõ về tiêu chí đánh giá công nghệ môi trường, khuyến khích sử dụng công nghệ giảm phát thải, giảm tỷ lệ chôn lấp...”, ông Nam phản ánh.

Để triển khai có hiệu quả định hướng chuyển đổi xanh, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường khuyến nghị, cần có một kiến trúc sư trưởng để tạo sự thống nhất xuyên suốt, triển khai hiệu quả mục tiêu ưu tiên đã đề ra.

Theo đề xuất của TS. Cấn Văn Lực, cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ cần sớm ban hành Danh mục phân loại xanh (Green Taxonomy), trong đó nên xác định rõ lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. Theo kinh nghiệm của một số quốc gia, việc xác nhận xanh nên giao cho tổ chức độc lập thực hiện.

Về thị trường mua bán tín chỉ carbon, ông Lực cho rằng, nếu đợi đến năm 2029 mới bắt đầu vận hành thì Việt Nam nói chung và DN nói riêng sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội chuyển đổi xanh, nắm bắt dòng vốn đầu tư cho chuyển đổi xanh. Cần sớm triển khai thị trường này bằng cách cho phép thí điểm trong 3 năm tới, bắt đầu ngay từ năm 2025 và thực hiện đến 2028, trước khi vận hành chính thức vào năm 2029.

Để thúc đẩy chuyển đổi xanh, cần phải có chính sách hỗ trợ tài chính thông qua thuế, phí, lãi suất, gồm cả chi phí xác nhận xanh cho các sản phẩm, dịch vụ “xanh”; thành lập quỹ chuyển đổi xanh, quỹ tăng trưởng xanh, quỹ tái cấp vốn, chương trình tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi… Từ đó, các tổ chức tín dụng xây dựng quy trình thẩm định riêng cho tín dụng xanh, có các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với các lĩnh vực khác nhau cũng như tư vấn ESG cho DN…

Chuyên đề