Hoạt động kinh doanh chính của Công ty CP Thiết bị y tế Việt Nhật có những tín hiệu tích cực. Ảnh: NC st |
Theo đó, Công ty tiếp tục thua lỗ từ hoạt động kinh doanh chính hơn 18 tỷ đồng và phải nhờ đến khoản lợi nhuận 28,5 tỷ đồng từ biếu tặng, thưởng của nhà cung cấp để có kết quả lãi ròng hơn 10 tỷ đồng trong năm 2017.
Thu hẹp mức lỗ từ hoạt động kinh doanh chính
Sau biến cố cựu Chủ tịch HĐQT Lê Văn Hướng bị bắt giam vào tháng 6/2015 để thực hiện việc điều tra về tội danh lừa dối khách hàng, hoạt động kinh doanh của Công ty gặp khó khăn chồng chất. Doanh thu sụt giảm mạnh không đủ bù đắp chi phí hoạt động đã khiến JVC liên tục thua lỗ lớn trong những năm gần đây. Đặc biệt, năm 2015, Công ty ghi nhận mức lỗ ròng lên tới 1.335,78 tỷ đồng do thực hiện trích lập dự phòng phải thu khó đòi lên tới 1.125 tỷ đồng, bao gồm dự phòng phải thu ngắn hạn của khách hàng là 339,20 tỷ đồng, dự phòng trả trước cho người bán ngắn hạn là 297,22 tỷ đồng và dự phòng phải thu ngắn hạn khác là 488,87 tỷ đồng.
Hai năm gần đây (2016 - 2017), sự tăng trưởng tốt của ngành thiết bị y tế đã giúp cho hoạt động kinh doanh của JVC được cải thiện. Cụ thể, doanh thu thuần của JVC năm 2017 đạt 542,01 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2016, nhờ vậy đã giúp Công ty giảm lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh từ mức âm 41,09 tỷ đồng xuống chỉ còn 18,17 tỷ đồng trong năm 2017. Bên cạnh đó, năm 2017, Công ty ghi nhận hơn 28,5 tỷ đồng thu nhập khác từ chi phí hỗ trợ, hàng biếu tặng và thưởng từ nhà cung cấp, tăng gấp 2,74 lần so với mức 10,4 tỷ đồng năm 2016. Nhờ vậy, JVC lội ngược dòng báo lãi hơn 10,66 tỷ đồng trước thuế trong năm 2017 (tăng mạnh so với mức lỗ 37,4 tỷ đồng năm 2016).
Với kết quả kinh doanh như vậy, đến 31/3/2018, lỗ lũy kế chưa phân phối của Công ty là 1.019,02 tỷ đồng (mất hơn 90,57% vốn góp của chủ sở hữu), song nhờ có nguồn thặng dư vốn cổ phần lên tới 402,28 tỷ đồng đã giúp cho vốn chủ sở hữu duy trì ở mức 527,47 tỷ đồng. Theo quan sát của Báo Đấu thầu, JVC nhiều khả năng đã trích lập dự phòng hết khoản phải thu ngắn hạn và khoản tạm ứng tồn đọng từ thời ban lãnh đạo trước.
Vinamed cắt lỗ, quỹ Pyn Elite Fund tích cực gom cổ phiếu
Hoạt động kinh doanh chính của JVC đã có những tín hiệu tích cực nhờ xu hướng tăng trưởng mạnh của ngành nên hoạt động mua bán cổ phần của các cổ đông cũng trở nên nhộn nhịp hơn.
Gần đây, Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam - CTCP (Vinamed) đã thông báo thoái toàn bộ 4,46 triệu cổ phần JVC (tương đương 3,96% vốn điều lệ của Công ty), với giá bình quân 3.640 đồng/CP. Nếu so sánh với mệnh giá 10.000 đồng/CP thì Vinamed sẽ ghi nhận lỗ khoảng 28,35 tỷ đồng sau khi thanh lý khoản đầu tư này.
Ngược lại, dưới góc độ đầu cơ, sự thay đổi mô hình quản trị cũng như cải thiện kết quả kinh doanh đã kích thích dòng tiền tìm kiếm lợi nhuận vượt trội trên thị trường. Quỹ Pyn Elite Fund (non-ucits) đã liên tục mua vào cổ phiếu JVC. Lần gần đây nhất, đầu tháng 2/2018, Pyn Elite đã mua thêm 924.130 cổ phiếu và nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 12,38 triệu cổ phần, tương ứng 11% tổng số cổ phiếu biểu quyết đang lưu hành của Công ty.
Những thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông lớn của JVC đã khiến thị giá của Công ty biến động mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018. Qua đó, thị giá JVC đã tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2018, lập đỉnh vùng 6.000 đồng/CP trước khi sụt giảm mạnh về giao dịch quanh vùng 3.000 đồng/CP vào cuối tháng 5/2018. Hiện tại, thị giá JVC đang giao dịch quanh vùng 3.300 - 3.400 đồng/CP với thanh khoản bình quân gần 200.000 cổ phần/phiên.