Sống lại các công trình đình trệ: TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm giải phóng mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cuối tuần trước, công trình cầu Vàm Sát 2 đã được TP.HCM đưa vào sử dụng. Không chỉ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc, mở ra cơ hội mới phát triển huyện Cần Giờ, việc hoàn thành cầu Vàm Sát 2 sau nhiều năm đình trệ thi công còn cho thấy công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các dự án đầu tư công tại TP.HCM đã có bước chuyển mới, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án giao thông lớn trong giai đoạn tới.
Cầu Vàm Sát 2 được thông xe vào ngày 15/9/2023, sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch. Ảnh: Tuấn Ngọc
Cầu Vàm Sát 2 được thông xe vào ngày 15/9/2023, sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch. Ảnh: Tuấn Ngọc

Đánh thức các công trình đình đốn

Dự án Đầu tư xây dựng cầu Vàm Sát 2, huyện Cần Giờ, TP.HCM có tổng mức đầu tư 343 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp 247 tỷ đồng, chi phí bồi thường GPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật 25 tỷ đồng với 24 hộ dân và 1 tổ chức.

Sau khi tiếp nhận mặt bằng đợt 1, cầu Vàm Sát 2 được khởi công vào ngày 27/3/2018 do Liên danh nhà thầu Công ty CP NASACO - Công ty CP Đầu tư xây dựng dầu khí IDICO đảm nhiệm thi công phần cầu; Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư xây dựng Đông Sơn thi công phần đường.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) TP.HCM, do phải chờ mặt bằng, công trình đã tạm dừng thi công từ tháng 12/2019. Đến tháng 10/2022, sau khi được bàn giao 100% mặt bằng, các nhà thầu tiếp tục thi công và hoàn thành, thông xe cầu Vàm Sát 2 vào ngày 15/9/2023, sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch.

Trước đó, ngày 8/9, cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) cũng được thông xe. Dự án Cầu Long Kiểng được phê duyệt từ năm 2001, có tổng vốn đầu tư khoảng 589 tỷ đồng. Sau thời gian dài vướng mắc GPMB, tháng 8/2018, cầu Long Kiểng được khởi công và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11/2019. Tuy nhiên, Dự án tiếp tục vướng mặt bằng và đến tháng 9/2022, huyện Nhà Bè mới giao toàn bộ mặt bằng để nhà thầu thi công.

Trong tháng 3/2023, công trình cầu Nam Lý cũng được tái khởi động sau 4 năm ngừng thi công.

Cầu Long Kiểng, cầu Vàm Sát 2 và cầu Nam Lý là 3 trong số các công trình giao thông của TP.HCM từng bị đình đốn thi công, chậm tiến độ nhiều năm do không thể hoàn tất GPMB, tạo nên nhiều bức xúc trong dư luận.

Nhân rộng kinh nghiệm

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông TP.HCM chia sẻ, cầu Vàm Sát 2 được tái khởi động và nhanh chóng hoàn thành, mang lại những niềm tin mới. Đó là, dù có nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị của địa phương, sự phối hợp đồng hành, hỗ trợ giữa Chủ đầu tư cùng các sở, ngành, lãnh đạo TP.HCM, công tác GPMB vẫn có thể hoàn thành với sự đồng thuận rất cao của người dân mà không phải cưỡng chế 1 trường hợp nào. Kế đến là nỗ lực kiểm soát tiến độ của Chủ đầu tư thông qua việc đôn đốc các nhà thầu, quyết tâm tập trung nguồn lực thi công xây lắp thì vẫn có thể hoàn thành công trình sớm hơn tiến độ đề ra và đưa công trình vào khai thác.

“Kinh nghiệm, niềm tin từ công trình các dự án cầu Vàm Sát 2, Long Kiểng sẽ được chúng tôi nhân rộng, lan tỏa đến các địa phương có công trình giao thông đang chờ mặt bằng để tiếp tục thi công như: cầu Ông Nhiêu, cầu Tăng Long (TP. Thủ Đức), cầu Bà Hom (quận Bình Tân), tuyến đường Tân Quỳ - Tân Quý (quận Bình Tân), đường Lương Định Của (TP. Thủ Đức), đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp), Tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi)…, để tiếp tục có những công trình hoàn thành vượt tiến độ. Khởi động lại việc thi công các dự án trên là một nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng còn lại năm 2023 của TP.HCM”, ông Lương Minh Phúc nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu thầu, ông Phúc khẳng định, TP.HCM đã dần cởi nút thắt cố hữu GPMB cho các dự án giao thông. Cùng với thành quả tích cực tại những dự án cầu nêu trên, công tác GPMB Dự án Vành đai 3 - TP.HCM thời gian qua cũng đạt kết quả tốt dù khối lượng công việc rất lớn. Tới nay, Dự án thành phần 2 thuộc Dự án Vành đai 3 (do UBND TP.HCM làm cơ quan chủ quản) đã GPMB đạt 94%, đặc biệt huyện Hóc Môn đạt 100%, huyện Củ Chi đạt 98%, huyện Bình Chánh 95,3%, TP. Thủ Đức 83%. TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành 100% GPMB đường Vành đai 3 vào cuối năm 2023.

Theo ông Phúc, những bài học thành công được TP.HCM đúc rút từ thực tiễn GPMB trong hơn 1 năm trở lại đây là: giá đền bù tiệm cận thị trường, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, chăm lo tốt tái định cư người dân, sự vào cuộc hứng khởi, nhiệt huyết của các nhân sự thực hiện GPMB và áp dụng hiệu quả cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội đối với Dự án Vành đai 3. Ông Phúc cho biết thêm, kinh nghiệm GPMB các dự án giao thông thời gian gần đây sẽ được nhân rộng để thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án giao thông lớn trong giai đoạn tới.

Chuyên đề