Sóng cả không ngã tay chèo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình trạng khan khiếm vật liệu xây dựng thông thường, bão giá vật liệu hay đơn giá, định mức lạc hậu… là những yếu tố khiến nhiều nhà thầu xây dựng lao đao trong thời gian gần đây. Đối mặt những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, nhiều nhà thầu nêu cao tinh thần vượt mọi thách thức để khẳng định năng lực, thương hiệu, uy tín, tiếp tục góp sức hoàn thành các mục tiêu trong phát triển hạ tầng giao thông chiến lược.
Nhiều doanh nghiệp xây dựng đã và đang nỗ lực hết sức để góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông chiến lược (ảnh thi công hầm của Đèo Cả)
Nhiều doanh nghiệp xây dựng đã và đang nỗ lực hết sức để góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông chiến lược (ảnh thi công hầm của Đèo Cả)

9 tháng đầu năm 2024, Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả ghi nhận doanh thu hơn 2.277 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế gần 361 tỷ đồng, tăng 17%.

Đây được xem như “quả ngọt” cho nỗ lực triển khai thi công các dự án hạ tầng giao thông khắp cả nước của Đèo Cả. Công ty đã hoàn thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (tổng mức đầu tư 8.900 tỷ đồng) và khởi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1, Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng mức đầu tư là 25.300 tỷ đồng. Tại Dự án Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Công ty đã bố trí hơn 4.000 người lao động, 1.750 thiết bị, triển khai 45 mũi thi công, tổ chức làm việc 3 ca, nhằm đạt mục tiêu thông tuyến kỹ thuật vào cuối năm 2025 và đưa vào khai thác trong quý II/2026.

Không chỉ mang về lợi nhuận cho doanh nghiệp, các công trình hạ tầng giao thông, đặc biệt là hầm đường bộ xuyên núi đã và đang phát huy hiệu quả sử dụng khi giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển, giảm thiểu tai nạn trên các cung đường đèo, nhất là trong mùa mưa bão. Các tuyến đường, hầm cũng giúp tăng khả năng kết nối liên vùng, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương nơi có dự án đi qua. Đồng thời, với các dự án hầm đường bộ trọng điểm, Đèo Cả đã khẳng định thương hiệu nhà thầu, nhà đầu tư tầm cỡ.

Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, dấn thân vào những công trình khó, dám nhận những việc khó về mình, tập thể Đèo Cả đã dám “nghĩ khác biệt, làm khác biệt”, lấy thực tiễn triển khai thi công để minh chứng về năng lực thực hiện công trình lớn. Trong quá trình thực hiện, khi phát hiện những bất cập về cơ chế, chính sách, Đèo Cả đã có tiếng nói phản biện, đồng hành cùng các cơ quan chức năng từng bước hoàn thiện quy định pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho dự án, khơi thông cơ chế tài chính để hiện thực hóa các công trình lớn của đất nước. Tiêu biểu là Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài sau khi tìm hiểu đã rời đi nhưng Đèo Cả đã đề xuất lựa chọn giải pháp tối ưu hóa hướng tuyến, phân kỳ đầu tư, giảm tổng mức đầu tư từ 47.000 tỷ đồng xuống còn 23.000 tỷ đồng, áp dụng cơ chế đặc thù Nhà nước hỗ trợ 70% vốn đầu tư cho Dự án…

Nhiều doanh nghiệp xây dựng đã và đang phát huy tinh thần “vượt nắng thắng mưa, không thua gió bão” để hoàn thành mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, bất chấp những khó khăn về thiếu hụt vật liệu, bão giá trên thị trường xây dựng hay đơn giá định mức chưa phù hợp với bối cảnh kinh tế…

Không chỉ có Đèo Cả, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã và đang phát huy tinh thần “vượt nắng thắng mưa, không thua gió bão” để hoàn thành mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, bất chấp những khó khăn về thiếu hụt vật liệu, bão giá trên thị trường xây dựng hay đơn giá định mức chưa phù hợp với bối cảnh kinh tế…

Trao đổi với phóng viên, đại diện Tập đoàn Đạt Phương cho biết, ba mảng công việc chính của doanh nghiệp là xây lắp, thủy điện và bất động sản. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, Tập đoàn luôn chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, mỗi thành viên, người lao động của Đạt Phương đều tận tâm cống hiến vì sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau nên Đạt Phương có nguồn lực tài chính khá ổn định và lành mạnh. Trong bối cảnh hoạt động xây lắp gặp nhiều khó khăn, Lãnh đạo Tập đoàn cố gắng tính toán phương án tối ưu, tìm cách xoay xở nguồn lực, dồn lực thi công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, một mặt giúp công trình sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, mặt khác cũng tiết giảm được nhân công, nguồn lực cũng như chi phí thực hiện do rút ngắn được thời gian thi công.

Nhờ những giải pháp hiệu quả, Đạt Phương đã đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm 2024: Doanh thu Công ty đạt 1.386 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận ròng đạt 150,1 tỷ đồng, tăng trưởng 9,5%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) ghi nhận 646 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 265% so với cùng kỳ 2023 nhờ cải thiện biên lợi nhuận gộp và tiết giảm chi phí hoạt động, chi phí tài chính. Doanh nghiệp này hiện đang triển khai thi công một loạt công trình lớn, trọng điểm quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Dự án Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai…

Một số doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm như Công ty CP Tập đoàn Cienco 4 ghi nhận lãi ròng 99,7 tỷ đồng, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2023; Tổng công ty Xây dựng số 1 báo lãi ròng 34,6 tỷ đồng, tăng 81%; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 lãi ròng 27,4 tỷ đồng, tăng 82,6%)…

Chia sẻ với phóng viên, đại diện một nhà thầu cho biết, dự án giao thông có biên lợi nhuận rất mỏng, hay gọi là “ăn no vác nặng”. Vì vậy, các doanh nghiệp luôn luôn phải chú trọng việc quản trị tài chính, quản lý dự án, tổ chức thi công hợp lý, kiểm soát chi phí, đầu tư vào các công nghệ mới để nâng cao hiệu suất công việc, giảm thiểu rủi ro. Cùng với đó là nỗ lực xây dựng tinh thần đoàn kết cao, sự thống nhất đồng lòng trong tập thể bằng cách bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập và chăm lo cho đời sống của người lao động. Người lao động trong doanh nghiệp luôn được khuyến khích sáng tạo, dám nghĩ dám làm, có những sáng kiến, giải pháp đẩy nhanh tiến độ, tăng cường hiệu quả và chất lượng công trình. Nhờ đó, nhà thầu đã vượt qua được những thời khắc khó khăn để nhanh chóng phục hồi và vững bước đi lên.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư