Sôi động M&A trong ngành bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tháng cuối năm 2023 chứng kiến các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản diễn ra sôi động. Hoạt động này được đánh giá sẽ tiếp diễn trong năm 2024 bởi “sức khỏe” tài chính của nhiều doanh nghiệp trong ngành đang suy yếu. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp có tiềm lực mở rộng quy mô và doanh nghiệp “tay ngang” lấn sân sang lĩnh vực này.
Nhiều doanh nghiệp đang có những bước lấn sân sang lĩnh vực bất động sản thông qua M&A. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp đang có những bước lấn sân sang lĩnh vực bất động sản thông qua M&A. Ảnh: Lê Tiên

“Nở rộ” M&A cuối năm

Tại thị trường phía Nam, ngày 20/12, HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền đã thông qua việc Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Saphire (công ty con) nhận chuyển nhượng 99% vốn điều lệ của Công ty CP Phát triển bất động sản Lộc Minh. Qua đó, Nhà Khang Điền sẽ gián tiếp sở hữu Dự án Khu nhà ở cao tầng Công ty Lộc Minh, tại phường Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức (TP.HCM) quy mô 1,9 ha. Tổng giá trị nhận chuyển nhượng 350 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 15/12, Công ty CP Tập đoàn MBG thông qua việc nhận chuyển nhượng 3,2 triệu cổ phần của Công ty CP Quốc Bảo Vạn Ninh - Chủ đầu tư Dự án Khu vui chơi và giải trí Quốc Bảo Vạn Ninh tại thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, với giá 64 tỷ đồng. Ở một diễn biến khác, doanh nghiệp này cũng sẽ chuyển nhượng 4 triệu cổ phần sở hữu tại Công ty CP Green Island.

Tại thị trường phía Bắc, ngày 21/12, HĐQT Công ty CP Đầu tư Hải Phát thông qua Nghị quyết nhận chuyển nhượng 99,8% vốn tại Công ty CP Đầu tư phát triển Xanh Kỳ Sơn với tổng giá trị hơn 434,4 tỷ đồng (tương đương mỗi cổ phiếu có giá 87.055 đồng).

Được biết, Xanh Kỳ Sơn đang liên danh cùng Công ty CP Tập đoàn Telin làm Chủ đầu tư Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc ở phường Kỳ Sơn. Dự án có quy mô 35 ha với 350 - 450 căn nhà ở liền kề, nhà ở biệt thự và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tổng chi phí thực hiện Dự án (chưa bao gồm tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng) là 234 tỷ đồng. Liên danh trên trúng thầu Dự án từ năm 2018, thời gian thực hiện 24 tháng.

Mới đây, HĐQT Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV Đầu tư Hùng Sơn, Chủ đầu tư Dự án Tổ hợp đô thị biển và du lịch nghỉ dưỡng Vlasta - Sầm Sơn quy mô 25,59 ha tại Xã Quảng Hùng và xã Quảng Đại, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Trong một diễn biến khác, mới đây, UBND tỉnh Bình Dương có quyết định chấp thuận Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) được phép chuyển nhượng Dự án Khu đô thị nhà ở phức hợp Tân Thành Bình Dương. Bên nhận chuyển nhượng toàn bộ Dự án là Công ty TNHH Sycamore, thuộc Capital Land.

Quy mô và kết quả thực hiện toàn bộ Dự án chuyển nhượng là 189.295 m2 đất, gồm 462 căn nhà ở biệt thự thấp tầng và khoảng 3.300 căn hộ. Tổng diện tích xây dựng khoảng 592.876 m2.

Báo cáo tài chính của Becamex IDC đã ghi nhận 2.300 tỷ đồng tại khoản người mua trả tiền trước là khoản đặt cọc mua dự án của đối tác Capital Land. Giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 5.085 tỷ đồng theo Quyết định của tỉnh Bình Dương. Để hoàn thành thương vụ, Becamex IDC dự kiến sẽ nhận thêm hơn 2.700 tỷ đồng từ bên mua và ghi nhận lợi nhuận kịp trong năm nay, khi hoàn tất thủ tục pháp lý.

Ngành bất động sản được dự báo dần phục hồi

Tại Báo cáo triển vọng thị trường năm 2024, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) dự báo, hoạt động tái cấu trúc nguồn vốn và M&A dự án bất động sản sẽ sôi động trong năm 2024. Theo đó, để vượt qua khó khăn về tiếp cận vốn vay ngân hàng, một số doanh nghiệp niêm yết như: CEO Group, Novaland, Đất Xanh, Phát Đạt, Địa ốc Hoàng Quân đã lên kế hoạch huy động vốn trên sàn. Bên cạnh đó, “sức khỏe” tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản đang suy yếu, do đó việc bán dự án là cần thiết để có thể duy trì hoạt động và phát triển.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2023 đã xuất hiện những động thái tích cực và tương đồng với thời điểm đảo chiều của chu kỳ trước. Cụ thể, trong chu kỳ từ 2008 - 2012, tồn kho bất động sản tăng liên tục cho tới năm 2013, tín hiệu đảo chiều xuất hiện khi tín dụng được nới lỏng, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng và Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua.

Ở thời điểm hiện tại, về mặt lãi suất, từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động và 4 lần hạ lãi suất điều hành. Nhiều ngân hàng giảm 3 - 5% lãi suất huy động so với đầu năm. Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở đã được thông qua tháng 11/2023 và sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2025. Thị trường bất động sản cũng hưởng lợi từ các động thái tích cực của Chính phủ như quyết định thành lập 5 tổ công tác tháo gỡ đầu tư công, gói hỗ trợ 2% lãi suất, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội.

Mới đây, HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen đã thông qua việc góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập Công ty CP Hoa Sen Sài Gòn có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, hoạt động ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Doanh nghiệp mới sẽ tìm kiếm bất động sản trị giá 1.000 - 3.000 tỷ đồng để phát triển dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho Tập đoàn Hoa Sen, cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng nếu điều kiện phù hợp.

Không chỉ có Hoa Sen, nhiều doanh nghiệp “tay ngang” khác như: Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty CP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng, Công ty CP Đầu tư Phát triển ST8,… cũng đang có những bước lấn sân sang lĩnh vực bất động sản.

Chuyên đề