Ảnh Internet |
PPP được áp dụng vào nhiều lĩnh vực
UBND TPHCM vừa phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn mới theo hình thức PPP. Bên cạnh đó, chính quyền Thành phố đang giao cho một số đơn vị lập đề xuất Dự án Xây dựng Bệnh viện Đa khoa thực hành 500 giường của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng theo hình thức đầu tư này.
Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn mới có tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.030 tỷ đồng, quy mô 300 giường bệnh tiêu chuẩn công nghệ cao, đảm bảo phù hợp dây chuyền công năng của một bệnh viện đa khoa hạng 2 theo mô hình của Bộ Y tế. Dự kiến, Bệnh viện sẽ được xây dựng từ cuối năm 2017 và hoàn thành năm 2020, có định hướng phát triển thành bệnh viện đa khoa hạng 1 trong tương lai.
Trước đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco) làm chủ đầu tư xây dựng bệnh viện trên theo hình thức BT từ năm 2007. Tuy nhiên, từ lúc thị trường bất động sản đóng băng đến nay, các phương án xây dựng mới bệnh viện chưa có tiến triển.
Đối với Dự án Xây dựng Bệnh viện Đa khoa thực hành 500 giường của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển y tế Nhân Đức và Liên danh Công ty CP Đầu tư và Phát triển y tế Apogee - Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt nghiên cứu lập đề xuất dự án.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã đồng ý cho Công ty TNHH Bệnh viện Răng Hàm Mặt kỹ thuật cao Đại Nam thành lập Bệnh viện Răng Hàm Mặt kỹ thuật cao Đại Nam gồm 20 giường (không có bệnh nhân lưu trú) tại số 179 - 181 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1.
UBND Thành phố cũng đã chấp thuận đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ đường Huy Cận đến đường Đỗ Xuân Hợp (Quận 9) từ nguồn vốn vận động của các chủ đầu tư dự án khu dân cư trong khu vực dọc tuyến, hạn chế tối đa sử dụng ngân sách. Thậm chí, Sở Tài chính TP.HCM sẽ trực tiếp vận động các chủ đầu tư tư kinh doanh bất động sản trong khu vực để góp vốn đầu tư các tuyến đường kết nối này.
Trong tuần này, Sở Giao thông vận tải TP.HCM có 2 cuộc họp để xem xét các đề xuất dự án đầu tư theo hình thức PPP. Cụ thể là Dự án Xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn được đề xuất thực hiện bởi Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (tổng mức đầu tư hơn 63.500 tỷ đồng) và Dự án Đầu tư Công viên văn hóa Gò Vấp được đề xuất bởi Công ty CP Đầu tư Khoáng sản - Than Đông Bắc.
Tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư
Trong tháng 7/2017, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch về đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017 - 2020. Kế hoạch này nhằm phát huy tiềm năng, huy động tốt nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới cơ chế quản lý, chính sách và các giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực cho đầu tư.
Theo Kế hoạch, TP.HCM sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư PPP trên các lĩnh vực: xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước; nhà ở xã hội - tái định cư; công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật (giao thông, giảm ngập, môi trường, cấp nước sạch, cấp điện), hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội); thương mại; khoa học và công nghệ; khí tượng thủy văn; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu nông nghiệp, khu công nghệ cao; hạ tầng thông tin; tiến hành chuyển đổi một số cơ sở thuộc loại hình công lập sang loại hình ngoài công lập…
Với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa đầu tư, tạo nguồn lực mới cho sự phát triển của TP.HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, TP.HCM sẽ ưu tiên hàng đầu cho các dự án đầu tư theo hình thức PPP. “Dự án PPP được đề xuất bởi nhà đầu tư thời gian qua đã phát huy nhiều giá trị gia tăng như hình thành cụm đô thị, trung tâm thương mại, tạo bộ mặt hiện đại cho Thành phố. Với nguồn vốn đầu tư công hạn chế như hiện nay, TP.HCM cam kết sẽ ưu tiên và tạo điều kiện tối đa, giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian cho nhà đầu tư khi tham gia vào những dự án PPP mà Thành phố kêu gọi đầu tư”, ông Tuyến cam kết.