Sôi động cuộc đua đạt chuẩn EU-GMP của DN dược

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cuộc đua xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn châu Âu (EU-GMP) của các doanh nghiệp nội địa đang ngày càng sôi động.
Ngành dược phẩm, y tế Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng nhờ quy mô dân số đông, xu hướng già hóa và thu nhập tăng tương ứng với nhu cầu gia tăng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Tiên Giang
Ngành dược phẩm, y tế Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng nhờ quy mô dân số đông, xu hướng già hóa và thu nhập tăng tương ứng với nhu cầu gia tăng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Tiên Giang

Điều này cho thấy doanh nghiệp dược Việt Nam đang hướng đến mục tiêu tham gia đấu thầu sản phẩm tại các phân khúc thuốc nhóm đầu, có dư địa tăng trưởng lớn về nhu cầu, biên lợi nhuận cao, vốn nằm trong tay các hãng dược nước ngoài.

Kết quả kinh doanh phục hồi “hậu Covid-19”

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, Công ty CP Dược Hậu Giang (Dược Hậu Giang) ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.346 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 836 tỷ đồng, tăng 15% về doanh thu và 23,7% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý III/2022, Công ty đạt doanh thu thuần 1.162 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 290 tỷ đồng, tăng 30,6% và là quý có lợi nhuận cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Sau khi tăng trưởng âm vào quý IV/2021, doanh thu của Dược Hậu Giang đã tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm đến nay.

Sự hồi phục này cũng là bức tranh chung của nhiều doanh nghiệp ngành dược. Tại Công ty CP Traphaco, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 9 tháng tăng lần lượt 14,4% và 27,8% so với cùng kỳ 2021. Hai chỉ tiêu này tại Imexpharm (Công ty CP Dược phẩm Imexpharm) lần lượt đạt 24,9% và 27,3%, tại Domesco (Công ty CP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco) là 11,1% và 22,9%; Tại Dược Hà Tây (Công ty CP Dược phẩm Hà Tây) là 12% và 23,1%. Nhiều doanh nghiệp dược khác cũng ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong quý III như Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar), Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1 (DP1)…

Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp lại ghi nhận xu hướng đi xuống như Tổng công ty CP Y tế Danameco. Sau 9 tháng, doanh thu thuần của Công ty giảm 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế lỗ 42,2 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu với các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch sụt giảm.

Tại Tổng công ty Dược Việt Nam, mặc dù doanh thu 9 tháng tăng trưởng, lợi nhuận lại giảm đến 53% so với cùng kỳ năm trước do thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh, hàng loạt cổ phiếu trong danh mục đầu tư tài chính giảm giá khiến doanh nghiệp phải tăng giá trị trích lập dự phòng.

Sôi động cuộc đua đạt chuẩn EU-GMP

Ngày 22/11/2022, Công ty CP Dược phẩm Cửu Long được Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy Dược phẩm theo tiêu chuẩn EU-GMP. Dự án có quy mô 50.000 m2, tổng vốn đầu tư 1.035 tỷ đồng, công suất sản xuất thuốc, dược phẩm của Nhà máy đạt 1,6 tỷ sản phẩm/năm và 360 triệu đơn vị sản phẩm/năm đối với các vật tư y tế như bơm kim tiêm, dây truyền dịch, ống mẫu máu, kim luồn tĩnh mạch…

Trước đó, ngày 9/7/2022, Dược Hậu Giang khởi công xây dựng Nhà máy Betalactam đạt tiêu chuẩn JAPAN/EU-GMP tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh giai đoạn 1, tỉnh Hậu Giang. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2024. Các dự án của Dược phẩm Cửu Long, Dược Hậu Giang nối tiếp hàng loạt dự án nhà máy theo tiêu chuẩn EU-GMP của các doanh nghiệp cùng ngành.

Theo nhiều dự báo, ngành dược phẩm, y tế Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng trong dài hạn nhờ quy mô dân số đông, xu hướng già hóa và thu nhập tăng tương ứng với nhu cầu gia tăng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. FitchSolution dự báo doanh số dược phẩm tại Việt Nam đạt 156 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và 216 nghìn tỷ đồng vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng bình quân 8%/năm.

Trong đó, dư địa tăng trưởng nhu cầu tại phân khúc thuốc chất lượng cao của kênh ETC (thuốc kê đơn, phân phối thông qua kênh bệnh viện) được đánh giá là rất lớn. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng có nhiều chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp, nhà máy sản xuất trong nước.

Chẳng hạn, Luật Dược và Thông tư 03/2019/TT-BYT quy định không chào thầu thuốc nhập khẩu khi thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Quy định này tạo động lực thúc đẩy các công ty dược nội địa chạy đua xây dựng dây chuyền sản xuất đạt chuẩn cao như EU-GMP để có đủ khả năng tham gia đấu thầu sản phẩm tại các phân khúc thuốc nhóm đầu, có biên lợi nhuận cao.

Thông tin từ Imexpharm cho biết, Nhà máy IMP4 đã nhận được Chứng nhận EU-GMP do Viện Dinh dưỡng và Dược phẩm quốc gia Hungary cấp vào ngày 18/7/2022. Trong số các doanh nghiệp dược nội địa, Imexpharm là doanh nghiệp sớm đầu tư đạt chuẩn EU-GMP cho các nhà máy, giúp tạo động lực tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận suốt nhiều năm. Việc Nhà máy IMP4 nhận Chứng nhận EU-GMP được kỳ vọng sẽ giúp Công ty tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Tại Bidiphar, từ năm 2018, Công ty đã lên kế hoạch xây dựng 3 nhà máy mới đạt tiêu chuẩn PIC/S-GMP, EU-GMP trong giai đoạn 2022 - 2030. Việc Nhà máy Sản xuất thuốc điều trị ung thư Nhơn Hội dự kiến sớm hoàn thành xét duyệt chứng nhận GMP-EU được kỳ vọng sẽ giúp Công ty mở rộng thị phần tại kênh bệnh viện, thay thế thuốc ung thư nhập khẩu.

Dư địa tăng trưởng của thị trường và chính sách ưu tiên đối với sản phẩm sản xuất trong nước cũng là động lực thúc đẩy xu hướng M&A của nhiều tập đoàn nước ngoài với các doanh nghiệp nội địa những năm gần đây.

Chẳng hạn CFR International SPA đã nâng sở hữu tại Domesco lên 51% vốn vào năm 2016 (sau đó chuyển nhượng cho Abbott Laboratories). Taisho Pharmaceutial nâng tỷ lệ sở hữu tại Dược Hậu Giang lên chi phối đầu năm 2019. Trong năm 2020, Stada Service Holding B.V và tổ chức liên quan đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Pymepharco. Trong năm nay, SK Investment Vina III và các tổ chức liên quan liên tục nâng tỷ lệ sở hữu tại Imexpharm, đến đầu tháng 11/2022, tỷ lệ sở hữu của nhóm này đã đạt 64,57% và quá trình chào mua thêm chưa dừng lại.

Việc các “ông lớn” nước ngoài mạnh về tài chính, kinh nghiệm và nhân lực chất lượng cao thâu tóm các doanh nghiệp dược trong nước một mặt sẽ thúc đẩy năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước, nhưng mặt khác cũng khiến bức tranh thị phần ngày càng thiên lệch. Các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, yếu kém hơn về năng lực sản xuất, tài chính, công nghệ sẽ đối diện áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Chuyên đề