Một số chủ đầu tư thích “đóng cửa bảo nhau”, một số khác không nắm được quy định về xử phạt tư vấn đấu thầu vi phạm. Ảnh: Lê Tiên |
Phạt kịch khung
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bắc Kạn đã xử phạt 3 thành viên Tổ chuyên gia chấm thầu 2 gói thầu (số 19 và 20) của Dự án Mở rộng, nâng cấp Đường tỉnh 254 vì đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) của các nhà thầu không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu (HSMT).
Theo đó, 3 cá nhân bị xử phạt đều là cán bộ đấu thầu đang công tác tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn (CĐT của Dự án), gồm: ông Dương Văn Hảo, ông Trần Văn Dương và ông Bùi Văn Nhiên.
Cụ thể, tại Gói thầu số 19, 3 cán bộ nêu trên đã đánh giá HSDT của nhà thầu không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong HSMT nhưng không làm thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT). Tại Gói thầu số 20, 3 cá nhân nêu trên bị xử phạt về hành vi đánh giá HSDT của nhà thầu không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong HSMT dẫn đến thay đổi KQLCNT.
Một trường hợp khác xảy ra tại phía Nam. Đó là Công ty CP Tư vấn và Đào tạo Đại Nam (Tư vấn Đại Nam) làm Bên mời thầu (BMT) 2 gói thầu mua sắm thiết bị lớp học thuộc Dự án Mua sắm thiết bị năm 2017 của Trường Tiểu học Trần Quang Cơ và Trường Tiểu học Dương Minh Châu tại Quận 10, TP.HCM. Công ty TNHH Tân Nguyên Khôi đã kiến nghị và cho rằng quá trình lựa chọn nhà thầu có nhiều khuất tất.
Nhà thầu không chấp nhận KQLCNT của BMT. Từ kiến nghị của Nhà thầu, Hội đồng Tư vấn đấu thầu của Sở KH&ĐT TP.HCM vào cuộc và đã công bố kết luận về việc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu hoặc các quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến không đảm bảo mục tiêu của công tác đấu thầu, làm sai lệch KQLCNT 2 gói thầu nêu trên. UBND Quận 10 sau đó đã quyết định hủy thầu cả 2 gói thầu, không công nhận KQLCNT 2 gói thầu này.
Sở KH&ĐT TP.HCM đã tiến hành xử phạt đối với Tư vấn Đại Nam vì những vi phạm tại 2 gói thầu này. Tổng cộng cả 2 gói thầu này, Tư vấn Đại Nam đã để xảy ra 5 vi phạm trong quá trình tổ chức đấu thầu, đánh giá hồ sơ đề xuất. Sở KH&ĐT TP.HCM đã công bố mức phạt hành chính đối với Tư vấn Đại Nam là hơn 67 triệu đồng.
Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, tại một số địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai..., Sở KH&ĐT đã nắm bắt phản ánh, kiến nghị của nhà thầu, từ đó, vào cuộc quyết liệt. Khi xác định rõ các sai phạm của đơn vị tư vấn, tùy mức độ và hành vi mà áp dụng khung xử phạt phù hợp.
Chủ đầu tư thích “đóng cửa bảo nhau”
Tuy nhiên, trái ngược với động thái quyết liệt nêu trên, thực tế cho thấy không ít CĐT lại có rất nhiều biểu hiện bao che, dung túng cho các sai phạm của tư vấn đấu thầu.
Trong thời gian qua, nhiều đơn vị tư vấn lập HSMT, đánh giá HSDT, thẩm định KQLCNT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã để xảy ra sai sót, thậm chí dẫn tới sai lệch KQLCNT, nghiêm trọng hơn là để dẫn tới kiến nghị kéo dài, vượt cấp của nhà thầu… nhưng vẫn được “dung dưỡng”. Thực tế, nếu không có sự vào cuộc của các Sở KH&ĐT, rất hiếm tư vấn đấu thầu bị “sờ gáy” bởi các CĐT.
Theo các chuyên gia đấu thầu, để xảy ra tình trạng này là do CĐT vẫn thích “đóng cửa bảo nhau” là chính khi tư vấn vi phạm quy định về đấu thầu. “Vì mọi hành vi sai phạm của tư vấn đều liên quan trực tiếp đến ý chí chủ quan của CĐT, làm quyết liệt sẽ lộ ra rất nhiều mảng tối. Thậm chí, hiện nay còn xuất hiện tình trạng CĐT tìm mọi cách để kiến nghị của nhà thầu đi vào ngõ cụt, Sở KH&ĐT không có thông tin để vào cuộc để xử lý”, một chuyên gia đấu thầu chia sẻ.
Đơn cử như tại Đồng Nai, một số đơn vị tư vấn liên tục bị các nhà thầu phản ánh nhưng các CĐT vẫn tin dùng, tần số gói thầu được giao làm BMT ngày càng nhiều, trong đó có Công ty TNHH Xây dựng Hùng Thiên Long. Công ty Tư vấn đấu thầu Minh Anh liên tục liên quan đến nhiều gói thầu phải hủy thầu vẫn được giao làm tư vấn tại Kon Tum, Gia Lai…
Trong khi đó, trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều CĐT cho biết, không nắm được quy định về xử phạt tư vấn đấu thầu để xảy ra sai phạm. Một CĐT là đơn vị thuộc Bộ Tài chính đóng tại miền Trung chia sẻ: “Chúng tôi không hề biết đến quy định về xử phạt tư vấn để xảy ra sai sót dẫn đến sai lệch KQLCNT. Nên với hai đơn vị tư vấn để xảy ra tình trạng này, chúng tôi cũng chỉ gọi điện nhắc nhở, yêu cầu chấn chỉnh”.
Việc CĐT cố tình “nương nhẹ” hoặc không nắm được quy định của pháp luật như nêu trên là những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thời gian qua không ít tư vấn đấu thầu để xảy ra nhiều sai phạm mà chưa được xử lý triệt để. Điều này đã làm ảnh hưởng đến tính minh bạch và hiệu quả trong công tác đấu thầu.