Theo kế hoạch, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp, nhưng đến hết tháng 9/2018 mới cổ phần hóa được 10 doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên |
Để đáp ứng những kỳ vọng được đặt ra, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn rất nhiều việc cần làm nhằm đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại DNNN trong thời gian tới…
Nhiệm vụ nặng nề
Không phải khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập, câu chuyện về nâng cao chất lượng của quá trình cơ cấu lại DNNN mới được đề cập. Trên thực tế, dù nhiều giải pháp đã được thực hiện nhưng đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa (CPH) DNNN vẫn là một bài toán khó.
Giai đoạn 2016 - 2018, chúng ta đã thực hiện thoái vốn nhà nước thành công tại một số DNNN quy mô lớn. Số nhóm ngành, lĩnh vực Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giảm mạnh. Số tiền thoái vốn, cổ phần hóa giai đoạn này gấp 2 - 2,5 lần giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, các mục tiêu về chất lượng của quá trình cơ cấu lại DNNN đang tiến triển chậm.
Theo kế hoạch, năm 2018, phải hoàn thành CPH ít nhất 85 DN, nhưng đến hết tháng 9/2018 mới CPH được 10 DN… Thậm chí, một số địa phương lớn như TP.HCM thì trong 10 tháng 2018, hoạt động CPH, thoái vốn DNNN đang “dậm chân tại chỗ”. Trước tình trạng này, có thông tin cho hay, TP.HCM đang phải có báo cáo với Chính phủ để làm rõ. Còn tại Hà Nội hoạt động này cũng không tiến bộ hơn TP.HCM là mấy.
Như vậy, việc hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu DNNN trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đang là thách thức lớn. “Nếu không có một quyết tâm cao, đẩy nhanh thực hiện các giải pháp đặt ra thì chúng ta khó mà hoàn thành được mục tiêu tái cơ cấu DNNN đặt ra trong Kế hoạch”, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nói và nhận định: “Kỳ vọng và áp lực nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN đối với Ủy ban là rất lớn”.
Đồng quan điểm này, ông Tạ Đình Xuyên, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, “siêu Ủy ban” đang chịu nhiều áp lực. Đó là kỳ vọng về việc khắc phục cho được những yếu kém, tạo sự khác biệt lớn cho khu vực DNNN; vai trò khi được giao quản lý số vốn và tài sản nhà nước rất lớn; phạm vi chịu trách nhiệm quản lý rộng; xây dựng các chiến lược tổng thể về đầu tư phát triển DN thuộc phạm vi quản lý…
“Khéo” trong quản lý, vận hành
Bên cạnh những áp lực thì các chuyên gia cũng khẳng định, có Ủy ban thì tất cả những hoạt động liên quan đến thoái vốn, CPH DNNN được “gom về một mối” để nhằm xóa bỏ tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi, tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại DN. DN đỡ hơn trong việc giảm bớt kênh xin phê duyệt cũng như báo cáo, từ đó đẩy nhanh tiến độ quá trình này.
Theo đó, việc sớm vận hành Ủy ban một cách ổn định và hiệu quả sẽ là rất cần thiết. Chuyên gia cũng đánh giá, để thực hiện tốt các các nhiệm vụ được giao trong bối cảnh mới được thành lập, Ủy ban đang chịu rất nhiều áp lực. Vì thế, để Ủy ban hoạt động hiệu quả, vấn đề nguồn lực, nhất là nguồn lực về con người và công nghệ cần phải được xem trọng. Cùng với đó, quy trình phê duyệt phương án CPH và thoái vốn hiện nay khá lâu, cần tiếp tục cải tiến, trong đó đặc biệt chú trọng đến cách thức định giá DN.
“Khi 19 DNNN đã chuyển về Ủy ban mà cơ quan này không “khéo” trong quản lý, vận hành thì rất dễ bị vướng ở khâu này, khâu kia trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, kéo chậm tiến độ tái cấu trúc DNNN đặt ra”, ông Lực bình luận.
Đến thời điểm này, đang trong lộ trình 19 “ông lớn” thuộc Danh sách các DN chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước từ các bộ về “siêu Uỷ ban” và dù kế hoạch thoái vốn, CPH của nhiều “ông lớn” trong danh sách này chưa được phía Ủy ban tiết lộ, song rõ ràng là đang có những kỳ vọng rất lớn về Ủy ban.
Về hoạt động CPH, thoái vốn DNNN, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc đẩy nhanh tiến độ và chất lượng CPH, thoái vốn DNNN thì liên quan đến rất nhiều yếu tố, không thể chỉ trông chờ riêng vào Ủy ban. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là quyết tâm của người đứng đầu lĩnh vực đó, cũng như người đứng đầu DNNN thực hiện nhiệm vụ.
Còn theo ông Tạ Đình Xuyên, đầu tiên cần làm tốt công các tư tưởng và yêu cầu kiên quyết CPH hoặc thoái vốn đối với bộ máy quản lý hiện tại và người lao động của DN. Hai là, thực hiện công tác định giá DN, minh bạch và chống thất thoát, lợi dụng làm thiệt hại đến lợi ích và tài sản nhà nước. Tiếp đó, có các phương pháp thoái vốn hoặc CPH phù hợp với từng DN cụ thể.