Siêu thị ngoại “bít cửa” doanh nghiệp nội?

(BĐT) - Các doanh nghiệp Việt sẽ phải làm gì khi siêu thị ngoại đang tìm cách “bít cửa”? Mới đây, việc Big C yêu cầu Thế giới di động (MWG) rút 22 cửa hàng ra khỏi hệ thống Big C Việt Nam khiến mức độ cạnh tranh trên thị trường bán lẻ đang ngày càng khốc liệt. 
Hàng Việt ngày càng vắng bóng tại các siêu thị lớn. Ảnh: Gia Khoa
Hàng Việt ngày càng vắng bóng tại các siêu thị lớn. Ảnh: Gia Khoa

Không chỉ có doanh nghiệp bán lẻ, mà hàng Việt cũng phải chịu nhiều áp lực trong cuộc đối đầu với các đối thủ nước ngoài.

Những hệ luỵ không nhỏ

Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, trong kênh bán lẻ hiện đại, hồi năm ngoái, khối ngoại đã chiếm thị phần đến hơn 58%, khối nội chỉ còn chiếm hơn 41%, tổng doanh số ngành bán lẻ hiện đại của khối ngoại năm 2015 đã đạt đến 45.500 tỷ đồng, trong khi khối nội có doanh số khoảng 32.000 tỷ đồng.

Nhưng dự báo đến năm 2020, ông Kiên cho rằng, ngành bán lẻ hiện đại của khối ngoại sẽ đạt 187.000 tỷ đồng doanh thu, còn khối nội thì vào khoảng 71.400 tỷ đồng. Tỷ lệ lúc đó sẽ là 27,6% thị phần cho doanh nghiệp nội địa và 72,4% thị phần cho khối ngoại.

Thực tế, việc các tập đoàn phân phối nước ngoài lần lượt thâu tóm thị phần bán lẻ nội địa trong thời gian qua đang dẫn đến những hệ lụy đối với các ngành sản xuất nội địa (nếu các nhà bán lẻ ngoại từ chối nhập hàng từ các nhà sản xuất nội địa…) cũng như những rủi ro với người tiêu dùng (nếu các nhà bán lẻ ngoại sau khi thống lĩnh thị trường đồng loạt tăng giá bán…).

Bà Huỳnh Bảo Châu, Giám đốc marketing của Công ty CP Cholimex Food lưu ý, khi thị trường ngày càng dày đặc nhà phân phối ngoại hoặc hệ thống phân phối ngoại, nhiều doanh nghiệp Việt có nguy cơ bị đánh bật khỏi kênh phân phối hiện đại vì nhiều loại phí và mức chiết khấu đòi hỏi quá cao. Ngoài ra, nhà phân phối có toàn quyền lựa chọn sản phẩm trưng bày trong không gian của mình, nên hàng Việt sẽ rất khó cạnh tranh trong việc trưng bày thu hút sự chú ý của người tiêu dùng cũng như tăng doanh số bán. 

Cạnh tranh không lành mạnh?

Doanh nghiệp Việt phải trả hàng loạt các chi phí như trưng bày, phí mở hàng, phí thuê quầy kệ, quảng cáo hay thưởng doanh số… Mức chi phí này cũng được tăng rất tuỳ tiện theo từng năm.
“Việc loại bỏ sản phẩm Việt Nam được thực hiện có vẻ hợp lý, nhưng thật sự là cạnh tranh không lành mạnh. Doanh nghiệp Việt phải trả hàng loạt các chi phí như trưng bày, phí mở hàng, phí thuê quầy kệ, quảng cáo hay thưởng doanh số… Mức chi phí này cũng được tăng rất tùy tiện theo từng năm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải thêm những khoản chi phí không chính thức cho nhân viên siêu thị để hàng được đưa lên quầy kệ, nếu không sẽ bị nhét vào trong kho hoặc không ưu tiên hàng hoá xuất ra kho đưa lên kệ…” - bà Huỳnh Bảo Châu bày tỏ.

Còn theo đại diện Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị, sản phẩm của họ vốn đã đưa vào toàn bộ hệ thống siêu thị toàn quốc, trong đó có các siêu thị có vốn ngoại như Metro, Big C, Lotte... Thế nhưng, số lượng mã các sản phẩm tương đối ít, chỉ từ 5 - 10 sản phẩm, thấp hơn nhiều so với các sản phẩm nhập khẩu và các sản phẩm của các nhà cung cấp có vốn đầu tư nước ngoài. Cái khó khi vào hệ thống siêu thị ngoại chính là hoạt động chào hàng sản phẩm mới thường mất nhiều thời gian và số lượng mã được chấp nhận rất ít. Một số siêu thị yêu cầu khi chào một sản phẩm mới vào thì phải thay thế bằng một sản phẩm cũ, chi phí tạo mã tương đối cao.

Trước tình trạng hàng Việt gặp khó khi vào các siêu thị ngoại, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM khuyến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử, gây sức ép, lợi dụng ưu thế thị phần lớn. Hơn nữa, cần có chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt tìm kiếm mặt bằng mở rộng nhanh mạng lưới và áp dụng công cụ Kiểm tra nhu cầu kinh tế - ENT (một "chốt chặn" quan trọng của Việt Nam trong việc kiểm soát các nhà phân phối nước ngoài tại thị trường của mình, bảo hộ hợp lý và hợp pháp các nhà bán lẻ trong nước).

Chuyên đề