“Siêu ban” và những bộ hồ sơ mời thầu chuẩn mực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo dõi công tác đấu thầu, đặc biệt là khâu xây dựng hồ sơ mời thầu tại các ban quản lý dự án (QLDA) chuyên nghiệp thời gian qua cho thấy tín hiệu đáng mừng khi các ban này đang làm tốt vai trò đi đầu, gương mẫu thực thi pháp luật về đấu thầu. Việc tuân thủ nghiêm túc cũng như cập nhật liên tục các quy định hiện hành khi xây dựng hồ sơ mời thầu tại các bên mời thầu (BMT) này khiến mỗi gói thầu là cơ hội rộng rãi cho đông đảo nhà thầu.
Nhiều gói thầu xây lắp quy mô lớn, có tính chất phức tạp, nhưng các tiêu chí của hồ sơ mời thầu để đánh giá được xây dựng thông thoáng, rõ ràng. Ảnh: Song Lê
Nhiều gói thầu xây lắp quy mô lớn, có tính chất phức tạp, nhưng các tiêu chí của hồ sơ mời thầu để đánh giá được xây dựng thông thoáng, rõ ràng. Ảnh: Song Lê

Tại khu vực phía Nam, nhiều BMT thực sự là những… “siêu” ban do được giao quản lý hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia. Nếu như Bộ Giao thông vận tải có Ban QLDA Mỹ Thuận, Ban QLDA 7 thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 9, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10.

Các dự án được giao cho các BMT này tổ chức lựa chọn nhà thầu thu hút sự chú ý của đông đảo nhà thầu ngay từ khi công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Theo dõi quá trình mời thầu của các BMT cho thấy, công tác mời thầu đang hướng tới tính chuyên nghiệp, chuẩn mực, thông thoáng.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 cho biết, trong năm 2022, Ban làm BMT hàng loạt dự án lớn, có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sạt lở, kiểm soát nguồn nước ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hàng chục gói thầu xây lắp lớn được xây dựng hồ sơ mời thầu (HSMT) theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, thông thoáng nhưng khoa học, tiêu chuẩn đánh giá phù hợp, đặc biệt không tự ý thêm, bớt các tiêu chí đánh giá.

Trong quý IV/2022, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu cho 4 dự án lớn gồm: Dự án Xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (tổng mức đầu tư 1.460 tỷ đồng); Dự án Nâng cấp, cải tạo kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng (951 tỷ đồng); Dự án thành phần số 1 thuộc Dự án Công trình kiểm soát nguồn nước kênh Nguyễn Tấn Thành và bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây (582,481 tỷ đồng); Dự án Công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu (900 tỷ đồng).

10 gói thầu xây lắp lớn thuộc 4 dự án trên được công khai HSMT với đầy đủ các file đính kèm nhằm tạo thuận lợi cho nhà thầu lập hồ sơ dự thầu (HSDT). Nhờ các tiêu chí cởi mở, thuận lợi, trong suốt thời gian phát hành HSMT, không có bất kỳ đề nghị làm rõ nào phát sinh từ các nhà thầu. Công tác lựa chọn nhà thầu hướng tới những nhà thầu có thực lực thi công các công trình thủy lợi, đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Đơn cử, tại Gói thầu XL01 Xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị cống âu Rạch Mọp thuộc Dự án Công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu (giá gói thầu là 529,442 tỷ đồng), HSMT yêu cầu 1 hợp đồng tương tự (hoàn thành ít nhất 80% khối lượng công việc hợp đồng) với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ từ tháng 10/2017 đến thời điểm đóng thầu. Gói thầu cần 24 nhân sự chủ chốt và chỉ yêu cầu về bằng cấp, số năm kinh nghiệm phù hợp.

Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, hiểu đúng, hiểu đủ quy định hiện hành về yêu cầu nhân sự chủ chốt trong lĩnh vực xây lắp đã giúp nhiều BMT lập những HSMT tinh gọn, chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu lập HSDT.

Tại Ban QLDA 7, tiêu chí nhân sự luôn cập nhật kịp thời các quy định chuyên ngành. Đơn cử như Gói thầu XL.03 Thi công đoạn Km8+900 - Km14+243 và cầu Gành Hào (bao gồm điều tiết đảm bảo an toàn giao thông thủy trong thời gian thi công) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau (giá gói thầu là 431,411 tỷ đồng), HSMT yêu cầu về hợp đồng tương tự: từ ngày 1/1/2016 đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ đã thực hiện và hoàn thành tối thiểu 1 hợp đồng thi công xây dựng công trình đường bộ cấp II trở lên (có kết cấu mặt đường láng nhựa), trong đó có công trình cầu đường bộ cấp II trở lên (có kết cấu móng cọc khoan nhồi, dầm liên tục đúc hẫng cân bằng), có giá trị hợp đồng 313 tỷ đồng hoặc 2 hợp đồng thi công xây dựng công trình đường bộ cấp III (có kết cấu mặt đường láng nhựa), trong đó có tối thiểu 1 hợp đồng có công trình cầu đường bộ cấp II trở lên (có kết cấu móng cọc khoan nhồi, dầm liên tục đúc hẫng cân bằng), có giá trị mỗi hợp đồng 313 tỷ đồng.

Trong khi đó, về nhân sự chủ chốt như chỉ huy trưởng công trình, HSMT gói thầu trên chỉ yêu cầu: tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành xây dựng công trình giao thông đường bộ (đường bộ, cầu đường bộ, cầu hầm); có thời gian làm công tác thi công xây dựng công trình giao thông đường bộ tối thiểu 7 năm; đáp ứng điều kiện hành nghề chỉ huy trưởng công trường hạng II theo quy định tại Điều 74 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.

Một số nhà thầu chia sẻ, các tiêu chí nêu trên vừa đủ rõ ràng, chi tiết để đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu. Đặc biệt, nhân sự chủ chốt chỉ cần bằng cấp và kinh nghiệm, rất đúng bản chất, đi vào trọng tâm, không sa đà làm khó nhà thầu. Kết quả mở thầu cho thấy, gói thầu trên thu hút 3 nhà thầu tham dự.

Tại TP.HCM, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông và Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp cũng được đánh giá cao khi phát hành nhiều HSMT chất lượng, đảm bảo các tiêu chí cạnh tranh.

Tại Dự án Xây dựng nút giao thông An Phú, TP. Thủ Đức, Gói thầu XL5 Xây dựng hầm chui HC1-01 (521,069 tỷ đồng) dù có tính chất phức tạp, nhưng các tiêu chí của HSMT để đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu đều thông thoáng. Phần nhân sự chủ chốt chỉ yêu cầu số lượng 8 người. Đặc biệt, HSMT tạo cơ hội cho nhà thầu linh hoạt trong huy động nhân sự thể hiện ở yêu cầu: nhân sự chỉ huy trưởng công trình tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành xây dựng cầu hầm, hoặc hầm đường bộ, hoặc cầu đường; có hợp đồng lao động với nhà thầu hoặc tài liệu chứng minh nhân sự sẵn sàng cho gói thầu với trường hợp nhân sự không thuộc biên chế của nhà thầu.

Tại Gói thầu Tư vấn thiết kế - mua sắm vật tư thiết bị - thi công xây dựng công trình (Gói thầu EPC) thuộc Dự án Xây dựng Trung tâm Hội nghị 30-4, Văn phòng Chính phủ giao Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM làm BMT. BMT này cùng với đơn vị tư vấn đã xây dựng HSMT chuẩn mực, khoa học, được nhà thầu đánh giá cao về độ mở, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nhà thầu tham dự. “Gói thầu EPC có giá 343,169 tỷ đồng, gồm nhiều hạng mục phức tạp nhưng HSMT chỉ yêu cầu nhân sự chủ chốt có số năm kinh nghiệm (5 - 10 năm, tùy vị trí) và bằng cấp chuyên môn phù hợp. HSMT không đòi hỏi quá nhiều bằng cấp, chứng chỉ dẫn tới khó khăn cho nhà thầu”, đại diện BMT khẳng định.

Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia đấu thầu Nguyễn Việt Hùng khẳng định, trong công tác đấu thầu, vai trò tiên phong của các ban quản lý dự án chuyên nghiệp cần được nâng cao. Dự án lớn, trọng điểm cần được các BMT mẫu mực triển khai theo từng bước một cách bài bản. Việc áp dụng quy định pháp luật về đấu thầu tại các BMT này sẽ là tấm gương, là điển hình cho tinh thần thượng tôn pháp luật, coi các gói thầu là cơ hội mở với tất cả các nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư