Sẽ tháo gỡ 5 khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch

(BĐT) - Việc ban hành Luật Quy hoạch năm 2017 có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo đột phá trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và là cơ sở pháp lý để thực hiện thống nhất, động bộ các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch trong thực tiễn có một số vướng mắc, khó khăn cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra 5 khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện của Luật này để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra 5 khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện của Luật này để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình thực thi và khó khăn, vướng mắc liên quan đến một số quy định của Luật Quy hoạch. Trong đó, Bộ chỉ ra 5 khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện của Luật để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo đảm thống nhất trong hệ thống quy hoạch quốc gia

Về hệ thống quy hoạch quốc gia có một số vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cụ thể, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành không thuộc phạm vi điều chỉnh theo quy định tại Điều 1 Luật Quy hoạch, không thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định tại Điều 5 Luật Quy hoạch, nhưng lại được định nghĩa và liệt kê danh mục tại Luật Quy hoạch dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về phạm vi điều chỉnh của Luật, gây khó khăn, vướng mắc đối với lập và thực hiện quy hoạch.

Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, nhưng Điều 6 Luật Quy hoạch lại không quy định mối quan hệ giữa quy hoạch này với từng cấp, loại quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia dẫn đến nhiều cách hiểu về vai trò, vị trí của các loại quy hoạch này cũng như tính thống nhất, đồng bộ và liên kết của hệ thống quy hoạch.

Có quan điểm cho rằng, vai trò của quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thấp hơn quy hoạch tỉnh do không thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia. Trong khi đó, theo Danh mục các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành tại Phụ lục II của Luật Quy hoạch thì nhiều quy hoạch thuộc danh mục này có nội dung, tính chất quan trọng và phạm vi tác động trên toàn quốc hoặc liên quan tới 2 tỉnh trở lên.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy định nêu trên chưa bảo đảm tính toàn diện, thứ bậc, chưa xác định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh..., dẫn đến nhiều vướng mắc trong việc lập và thực hiện quy hoạch, làm giảm hiệu quả của công tác quy hoạch.

Do không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch, các quy định về nguyên tắc cơ bản, kinh phí, hợp tác quốc tế, giám sát và các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch tại Điều 4, Điều 9, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 Luật Quy hoạch không được áp dụng thống nhất đối với quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Đặc biệt, dù không thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch nhưng các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành lại được định nghĩa tại khoản 9 Điều 3 và liệt kê danh mục tại Phụ lục II của Luật Quy hoạch dẫn đến cách hiểu rằng việc lập, thẩm định, điều chỉnh các quy hoạch này phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công như quy định tại Điều 9 Luật Quy hoạch, dẫn đến vướng mắc trong việc bố trí kinh phí và ảnh hưởng lớn tới tiến độ lập, thẩm định, điều chỉnh các quy hoạch này.

Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định tại Điều 5 Luật Quy hoạch nhưng lại có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành do cụ thể hóa quy hoạch tỉnh (theo quy định khoản 9 Điều 3 Luật Quy hoạch) và được lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành (theo quy định tại Điều 28 Luật Quy hoạch). Quy định này dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng pháp luật, xác định vai trò của quy hoạch nông thôn và kinh phí cho loại quy hoạch này. Nội dung này cũng đã được đề xuất sửa đổi tại Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã trình Quốc hội (Dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 13/8/2024).

Do đó, việc sửa đổi Điều 5 Luật Quy hoạch nêu trên là cần thiết để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch cũng như thống nhất với quy định tại Điều 28 và Danh mục quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành tại Phụ lục II Luật Quy hoạch; thống nhất với nội dung Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã trình Quốc hội.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Gỡ vướng trong nhiệm vụ, quy trình lập quy hoạch, nội dung, kế hoạch thực hiện quy hoạch và trình tự thủ tục điều chỉnh quy hoạch

Về nhiệm vụ lập quy hoạch; quy trình lập quy hoạch, nội dung quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch và trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch cũng có vướng mắc. Đơn cử, nhiệm vụ lập quy hoạch theo Điều 15 và khoản 2 Điều 29 Luật Quy hoạch không có sự đồng bộ giữa thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định “nhiệm vụ lập quy hoạch” và “quy hoạch” tỉnh. Do đó, cần sửa đổi quy định này theo hướng phân quyền việc thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bảo đảm đồng bộ, thống nhất.

Quy trình lập quy hoạch gặp vướng mắc do có sự trùng lặp về nội dung trong việc lập và thẩm định đối với hoạt động “lập quy hoạch” (điểm b khoản 1 và điểm b khoản 3 Điều 16) và “xây dựng các nội dung quy hoạch" (điểm c khoản 1 và điểm c khoản 3 Điều 16). Mặt khác, theo quy định tại khoản 5 Điều 5 của Luật Đầu tư công, vốn đầu tư công được giao cho nhiệm vụ “lập quy hoạch”; không giao cho nhiệm vụ “xây dựng các nội dung quy hoạch”. Do đó, không thể giao kinh phí để “xây dựng các nội dung quy hoạch". Vì vậy, việc hoàn thiện quy định về xây dựng các nội dung quy hoạch nêu trên là cần thiết.

Với nội dung quy hoạch, một số thuật ngữ thuộc lĩnh vực thủy lợi và điện lực trong nội dung quy hoạch tỉnh chưa có sự thống nhất với Luật Thủy lợi, Dự thảo Luật Điện lực đã trình Quốc hội; nội dung quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn được lập để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh đã được sửa đổi tại Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã trình Quốc hội. Do đó, việc sửa đổi các quy định có liên quan là cần thiết để thống nhất trong áp dụng pháp luật và tránh trùng lặp giữa các cấp quy hoạch.

Theo quy định tại các Điều 22, 23, 25, 26 và 27 Luật Quy hoạch, nội dung quy hoạch bao gồm Danh mục dự án và thứ tự ưu tiên trong kỳ quy hoạch. Tuy vậy, quy định này chưa bảo đảm tính định hướng của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đồng thời trùng lặp với Danh mục dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn và các dự án đã được chấp thuận/quyết định chủ trương đầu tư... Trên thực tế, dự án có thể thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực và có quy mô, phạm vi, tính chất khác nhau và cũng không thể xác định được hết số lượng các dự án sẽ triển khai trong cả thời kỳ quy hoạch. Đồng thời, do biến động của tình hình kinh tế - xã hội, khả năng thu hút đầu tư..., thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án có thể thay đổi hoặc có thể phát sinh thêm dự án. Nếu xác định luôn các dự án trong quy hoạch và thứ tự ưu tiên thực hiện thì sẽ phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần mới có thể đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Do đó, việc sửa đổi quy định này là cần thiết để phản ánh đúng tính định hướng của các danh mục dự án kèm theo; bảo đảm tính khả thi trong quá trình tổ chức, thực hiện quy hoạch.

Về kế hoạch thực hiện quy hoạch, theo quy định thì UBND cấp tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thủ tục theo quy định nêu trên chưa tạo được cơ chế linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch. Mặt khác, một số nội dung của kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh (như dự án đầu tư công, dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác...) đã được phân quyền cho các địa phương theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư. Do đó, việc sửa đổi quy định tại Điều 55 và Điều 56 Luật Quy hoạch để phân quyền cho UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh là cần thiết để tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong quá trình thực hiện quy hoạch tỉnh.

Về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch theo quy định tại Điều 54 Luật Quy hoạch, việc điều chỉnh quy hoạch phải thực hiện đầy đủ thủ tục như đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch mới, bao gồm nhiệm vụ lập quy hoạch, lập Hội đồng thẩm định quy hoạch... (mất 2 - 3 năm). Trong khi đó, trên thực tế đã phát sinh nhiều tình huống cần điều chỉnh quy hoạch để đáp ứng yêu cầu cấp bách như: thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nhưng không làm thay đổi mục tiêu và định hướng phát triển tại quy hoạch; hoặc để bảo đảm quy hoạch cấp dưới phù hợp với quy hoạch cấp trên kịp thời, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn (như điều chỉnh quy hoạch tỉnh do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; thực hiện các dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội thông qua...)... Do vậy, việc bổ sung quy định về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn là cần thiết để bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thống nhất về nguồn kinh phí đối với hoạt động quy hoạch

Liên quan tới kinh phí cho hoạt động quy hoạch, Điều 9 Luật Quy hoạch quy định về việc “sử dụng từ vốn đầu tư công” để lập quy hoạch; không quy định về việc sử dụng kinh phí thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để lập quy hoạch; không có quy định về kinh phí cho quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Trong khi đó, pháp luật chuyên ngành trong một số lĩnh vực quy định về việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để lập quy hoạch, dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất về nguồn kinh phí đối với hoạt động quy hoạch.

Nghị quyết số 61/2022/QH15 đã cho phép sử dụng kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch mà đến thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành chưa được bố trí vốn, nhưng chưa quy định cụ thể việc lập, thẩm định quy hoạch sau khi Nghị quyết này có hiệu lực thi hành có được sử dụng kinh phí chỉ thường xuyên hay không, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau và vẫn chưa khắc phục được triệt để các vướng mắc về kinh phí cho hoạt động quy hoạch.

Do vậy, để khắc phục các vướng mắc nêu trên, đề nghị sửa đổi quy định về chi phí cho hoạt động quy hoạch tại Điều 9 Luật Quy hoạch theo hướng bổ sung quy định cho phép sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động quy hoạch, trong đó quy định cụ thể kinh phí cho quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, tạo cơ chế linh hoạt trong việc sử dụng các nguồn ngân sách nhà nước phù hợp với tính chất của từng loại quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.

Đơn giản hóa chế độ báo cáo

Về chế độ báo cáo có sự trùng lặp giữa việc “rà soát quy hoạch định kỳ 5 năm” tại Điều 52 và “đánh giá thực hiện quy hoạch định kỳ” tại Điều 49 Luật Quy hoạch về nội dung, cơ quan và thời kỳ thực hiện. Do đó, cần sửa đổi để đơn giản hoá chế độ báo cáo, tiết kiệm thời gian và nguồn lực thực hiện.

Chỉnh lý lại quy định về “dữ liệu có liên quan”

Về khái niệm “dữ liệu có liên quan” của hệ thống thông tin quy hoạch, theo quy định tại điểm c và d khoản 2 Điều 41 Luật Quy hoạch, bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh cung cấp “dữ liệu có liên quan” thuộc phạm vi quản lý để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch. Tuy vậy, khoản 13 Điều 3 Luật Quy hoạch quy định: “Cơ sở dữ liệu về quy hoạch là tập hợp thông tin thể hiện nội dung cơ bản về quy hoạch được xây dựng, cập nhật, duy trì để quản lý, khai thác và sử dụng thông qua các phương tiện điện tử”.

Như vậy, quy định nêu trên chưa có sự thống nhất về khái niệm cơ sở dữ liệu, dẫn đến vướng mắc khi triển khai nội dung này. Do đó, đề nghị chỉnh lý lại quy định về “dữ liệu có liên quan” để thống nhất với quy định về khái niệm “cơ sở dữ liệu về quy hoạch”.

Chuyên đề