Việc phát hiện hợp đồng tương tự giả do nhà thầu kê khai trong HSDT phụ thuộc rất nhiều vào việc chủ đầu tư có làm hết trách nhiệm và thực sự công tâm hay không. Ảnh: Gia Khoa |
Vai trò lớn của chủ đầu tư
Báo Đấu thầu đã tiếp nhận phản ánh và xác minh nhiều trường hợp nhà thầu kê khai giả hợp đồng tương tự đã thực hiện. Gần đây nhất, theo đơn tố cáo gửi đến Báo Đấu thầu, nhà thầu trúng thầu một gói thầu lớn tại Phú Yên đã kê khai hợp đồng tương tự giả là một gói thầu xây lắp ở một địa phương khác. Quá trình xác minh, phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với chủ đầu tư dự án và đơn vị này phủ nhận việc đã ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu nêu trên, thực tế gói thầu này do nhà thầu khác trúng thầu và đang trong quá trình thi công, chưa hoàn thành. Trong khi đó, chủ đầu tư gói thầu tại Phú Yên thì nói rằng họ đã xác minh đúng theo quy định bằng cách đối chiếu với hợp đồng gốc nhà thầu cung cấp.
Trong trường hợp này, nếu không có tố cáo từ nhà thầu khác thì có thể việc làm giả hợp đồng tương tự đã không bị phát hiện.
Trường hợp khác là một gói thầu trong ngành điện, chủ đầu tư đã phát hiện ra một trong số các nhà thầu tham dự kê khai hợp đồng tương tự giả bằng cách xác minh lại với chủ đầu tư cũ.
Theo Cục Quản lý đấu thầu, trường hợp trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), nếu có nghi ngờ về tính trung thực của các thông tin về hợp đồng tương tự mà nhà thầu kê khai trong HSDT thì bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu cung cấp tài liệu bản gốc để đối chiếu hoặc liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư của các hợp đồng này để xác minh, làm rõ hoặc có thể đi kiểm tra thực tế hiện trường các công trình mà nhà thầu kê khai.
Như vậy, việc phát hiện hợp đồng tương tự giả phụ thuộc rất nhiều vào chủ đầu tư có làm hết trách nhiệm và thực sự công tâm hay không. Việc xác minh lại hợp đồng nhà thầu kê khai đã thực hiện trong 3 năm gần nhất là việc rất quan trọng để đánh giá được năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu và việc này không phải quá khó để thực hiện, nhất là với những gói thầu lớn.
Một nhà thầu bức xúc cho rằng, chủ đầu tư khi chủ ý loại nhà thầu không mong muốn thì xác minh kỹ, còn với nhà thầu “ruột” thì nhắm mắt làm ngơ, dẫn đến sự thiếu công bằng trong lựa chọn nhà thầu, có thể ảnh hưởng đến chất lượng gói thầu.
Các bên liên quan có thể bị xử tù
Khoản 4 Điều 89 của Luật Đấu thầu 2013 quy định gian lận là hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó một trong những hành vi gian lận là: “Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, HSDT, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư”. Theo Khoản 1 Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, hành vi vi phạm nêu tại Khoản 4 Điều 89 của Luật Đấu thầu sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm.
Chiếu theo quy định này, việc nhà thầu tham dự thầu làm giả hợp đồng tương tự đã thực hiện là hành vi gian lận, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 89 của Luật Đấu thầu. Trong trường hợp này, người có thẩm quyền căn cứ quy định nêu tại Khoản 3 Điều 90 của Luật Đấu thầu để ban hành quyết định cấm nhà thầu tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của mình. Ngoài ra, căn cứ vào mức độ của hành vi vi phạm, người có thẩm quyền còn có thể đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương mình hoặc đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước.
Đặc biệt, theo Điều 222 Bộ luật Hình sự, người nào thực hiện một trong những hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 222, trong đó có hành vi gian lận trong đấu thầu, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Thậm chí, có thể bị phạt tù cao nhất đến 20 năm nếu phạm tội gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên.
Việc kê khai giả hợp đồng tương tự là hành vi gian lận trong đấu thầu, nếu dẫn đến việc phải đấu thầu lại, hoặc nhà thầu được lựa chọn không đủ năng lực, kinh nghiệm có thể làm kéo dài thời gian thực hiện gói thầu, ảnh hưởng chất lượng công trình, gây thiệt hại về tài sản là không nhỏ, nhất là với những công trình lớn. Nếu bị phát hiện, với quy định của Bộ luật Hình sự, tất cả những người có liên quan, từ chủ đầu tư, nhà thầu, người có thẩm quyền đều có thể bị xử lý hình sự. Cái giá phải trả lúc đó không còn chỉ là về kinh tế.