FPT Venture đang tích cực thực hiện đầu tư mạo hiểm cho hoạt động khởi nghiệp. Ảnh: N.C st |
Theo Dự thảo, Thông tư gồm 3 Chương và 25 Điều, nhằm hướng dẫn việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Nguyên tắc đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo là các nhà đầu tư và đối tượng khởi nghiệp sáng tạo tự thỏa thuận về giá trị phần vốn góp, cổ phần, tỷ lệ vốn góp, tỷ lệ cổ phần tại doanh nghiệp được hình thành hoặc tăng vốn từ hoạt động đầu tư.
Quỹ Đầu tư mạo hiểm là quỹ hình thành từ vốn góp của các thành viên nhằm thực hiện đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo. Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xác nhận sự thành lập của quỹ, các thỏa thuận giữa các nhà đầu tư, làm căn cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp sau này. Dự thảo Thông tư cũng quy định về việc thành lập, một số nguyên tắc tổ chức, quản lý của Quỹ để hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo.
Dự thảo Thông tư đưa ra một số khái niệm như: khởi nghiệp sáng tạo, đối tượng khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, giấy chứng nhận đăng ký quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, pha loãng cổ phần. Trong đó, khái niệm khởi nghiệp sáng tạo được phân biệt với khái niệm khởi sự thông thường, theo cách truyền thống hiện nay. Khởi nghiệp sáng tạo cần dựa trên yếu tố đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có khả năng tăng trưởng nhanh. Hoạt động đầu tư được coi là đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo nếu đối tượng đầu tư là đối tượng khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn đầu, cụ thể tại thời điểm khi đối tượng nhận đầu tư chưa có lợi nhuận trước thuế. Mục tiêu đầu tư là nhằm thành lập doanh nghiệp hoặc tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp để thực hiện khởi nghiệp sáng tạo.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, để có thể khởi nghiệp thành công thì vấn đề vốn luôn là điều kiện tiên quyết với bất kỳ một start-up (doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo) nào. Tuy nhiên, với bản chất rủi ro lớn của các start-up thì kênh huy động vốn truyền thống như vay vốn ngân hàng hầu như là không thể, vì vậy việc gọi vốn đầu tư cho start-up là rất quan trọng. Đầu tư mạo hiểm vào start-up chính là cung cấp nguồn lực để nuôi dưỡng thành công các ý tưởng đổi mới sáng tạo. Trên thế giới, thị trường đầu tư mạo hiểm cho start-up đã phát triển từ nhiều năm trước và rất sôi động, tuy nhiên ở nước ta, hoạt động này mới bắt đầu nổi lên từ vài năm trở lại đây.
Theo thống kê, hiện nay, số lượng các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam rất ít. Các quỹ ngoại như CyberAgent, 500 Starups, Golden Gate Ventures… hiện chỉ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Trong số các quỹ nội địa thì hiện tại mới có quỹ FPT Venture là đang tích cực thực hiện đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp và trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam nhận được đầu tư từ những quỹ này.