Ảnh minh họa. (Nguồn: alblaad.com) |
Theo đó, nguồn cung từ OPEC trong tháng Tám đã tăng lên 33,5 triệu thùng mỗi ngày, so với mức đã được điều chỉnh 32,46 triệu thùng mỗi ngày trong tháng Bảy.
Nếu không tính Gabon và Indonesia, sản lượng tháng Tám của OPEC đã đạt 32,54 triệu thùng mỗi ngày, mức cao nhất kể từ năm 1997 khi Reuters bắt đầu tiến hành các cuộc khảo sát về hoạt động khai thác dầu mỏ của các nước thành viên OPEC.
Sản lượng tăng trong Tám làm dấy lên những hoài nghi về khả năng OPEC đạt được thỏa thuận "đóng băng" sản lượng tại cuộc họp sắp tới ở Angeria.
Những đồn đoán về cuộc họp không chính thức này của OPEC đã giúp đẩy giá dầu đi lên đáng kể từ 42 USD mỗi thùng lên 48 USD mỗi thùng hồi đầu tháng Tám.
Tuy nhiên, kỳ vọng của giới thị trường đã bắt đầu phai nhạt trong những ngày gần đây.
Nhà phân tích Olivier Jakob, thuộc hãng nghiên cứu thị trường dầu mỏ Petromatrix có trụ sở tại Thụy Sĩ, nhận xét: "OPEC không thực sự muốn 'đóng băng' sản lượng nhưng các thành viên khối này lại mong muốn giữ nguyên giá dầu ở mức hiện nay."
Sản lượng của OPEC đã tăng đáng kể vào năm 2014 khi khối này không còn giữ vai trò lịch sử là ấn định hạn ngạch khai thác để thúc đẩy giá dầu do Saudi Arabia, Iran và Iraq đã thúc đẩy các hoạt động khai thác.
Sản lượng cũng tiếp tục tăng hơn do có sự trở lại OPEC của Indonesia năm 2015 và việc Gabon trở thành thành viên mới của khối vào tháng Bảy vừa qua.
Sản lượng tháng Tám của Saudi Arabia ít nhất đã đạt tương đương mức kỷ lục 10,67 triệu thùng mỗi ngày của tháng Bảy.
Một số nguồn tin ngành dầu mỏ cho Reuters biết, sản lượng của vương quốc vùng Vịnh này có thể đã đạt mức kỷ lục mới 10,9 triệu thùng mỗi ngày trong tháng Tám.
Trong khi đó, sản lượng khai thác của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tiếp tục tăng và lần đầu tiên đạt ngưỡng 3 triệu thùng mỗi ngày trong tháng Tám.
Còn sản lượng của Iraq và Kuwait cũng đã tăng nhẹ từ tháng Bảy vừa qua.
Iran, nhà sản xuất có mức tăng sản lượng nhanh nhất trong OPEC thời gian qua sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Tehran được bãi bỏ hồi tháng Một, vẫn duy trì sản lượng của tháng Tám gần bằng mức trước khi bị cấm vận.
Chính phủ Iran hiện đang tìm kiếm các nguồn đầu tư để tiếp túc thúc đẩy hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu mỏ.
Trong số các nước thành viên OPEC, Nigeria ghi nhận mức giảm sản lượng lớn nhất do các cơ sở dầu mỏ của nước này liên tiếp bị các nhóm vũ trang tấn công phá hoại.
Libya cũng đang đối mặt với tình trạng suy giảm sản lượng do bất ổn an ninh và chính trị, trong khi hoạt động khai thác ở Venezuela bị ảnh hưởng nghiêm trọng do khủng hoảng kinh tế./.