Sân bay Long Thành 'vẫn chưa vào đường ray'

Siêu dự án Sân bay quốc tế Long Thành khó có thể đưa vào khai thác trong năm 2023 như yêu cầu của Quốc hội khi nhiều đề xuất về cơ chế đặc thù cho công trình đang bị 'treo' và 'tiền đâu' vẫn là câu hỏi đau đầu.
Phối cảnh sân bay Long Thành
Phối cảnh sân bay Long Thành

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành mới đây của Bộ GTVT, Thứ trưởng phụ trách Nguyễn Hồng Trường thừa nhận “dự án vẫn chưa đi vào đường ray”. Ông Trường yêu cầu “đẩy nhanh quá trình chuẩn bị để khởi công, muộn nhất vào năm 2018 chứ không thể chậm hơn nữa”. Tuy nhiên, trả lời phóng viên ngày 3.3, cả đại diện chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đều không dám chắc về thời điểm khởi công dự án bởi nguy cơ "tụt" tiến độ đang rất rõ.

Chậm tiến độ ít nhất 1 năm 

Đẩy nhanh quá trình chuẩn bị để khởi công, muộn nhất vào năm 2018 chứ không thể chậm hơn nữaThứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường
Trước đó, trong kiến nghị về một số cơ chế đặc thù cho dự án, ACV và bộ chủ quản mong muốn được áp dụng bỏ qua giai đoạn thi tuyển kiến trúc nhằm rút ngắn công đoạn chuẩn bị khởi công dự án có tổng mức đầu tư lên đến 16 tỉ USD này. Tuy nhiên cuối tuần trước, Văn phòng Chính phủ đã phát đi thông báo kết luận của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự không đồng ý.

Theo bản kế hoạch trình Bộ GTVT, chủ đầu tư dự tính trong tháng 2.2016 phải phát hành hồ sơ đấu thầu tư vấn lập báo cáo khả thi (F/S), trong trường hợp không phải thi tuyển kiến trúc nhà ga. “Nhưng việc phải thi tuyển, ngay cả trong trường hợp suôn sẻ nhất cũng phải mất 6 tháng”, ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc ACV nói. Vẫn theo đại diện chủ đầu tư, cộng với việc thời gian dành cho lập F/S mất khoảng 18 tháng, thì nhanh nhất tới giữa năm 2018 báo cáo này mới trình lên cấp thẩm quyền. Như vậy, đối chiếu với bản tiến độ, thời gian để bản báo cáo khả thi dự án nằm được trên bàn của cơ quan phê duyệt đã “tụt” tiến độ trên dưới một năm (kế hoạch là tháng 7.2017).

Thế nhưng, đây chưa phải khó khăn duy nhất mà quá trình chuẩn bị cho siêu dự án này phải đối mặt. Câu hỏi “tiền đâu” vẫn khiến các bên liên quan tiếp tục đau đầu. Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp giữa năm ngoái, ACV trong kế hoạch cổ phần hóa công ty mẹ đã kiến nghị được giữ lại tiền bán cổ phần để thực hiện dự án. Song quan điểm của Bộ Tài chính là số tiền này phải nộp về quỹ hỗ trợ và sắp xếp doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, đến thời điểm này, dù đã được Thủ tướng đồng ý về chủ trương tách công đoạn tái định cư và giải phóng mặt bằng thành tiểu dự án riêng và giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư nhưng nguồn kinh phí lên đến trên 18.500 tỉ đồng vẫn là bài toán khó với địa phương. “Ngân sách rất khó khăn, nhưng nếu T.Ư không hỗ trợ thì Đồng Nai cũng sẵn sàng đi vay để thực hiện”, một lãnh đạo tỉnh trấn an. Tuy nhiên, theo vị này, vấn đề địa phương lo lắng hơn là ngay cả khi có tiền thì việc phê duyệt dự án tái định cư, giải phóng mặt bằng vẫn phải chờ đến khi báo cáo khả thi dự án được chấp nhận. Điều này có nghĩa là, sớm nhất cũng phải giữa năm 2018 công tác di dân, tái định cư mới được thực hiện. “Công việc này đòi hỏi ít nhất 3 năm, tức là suôn sẻ nhất thì năm 2021 tỉnh mới có thể bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư khởi công được”, ông tính toán.

“Không thể làm được nếu không có cơ chế đặc biệt”

Trong khi đó, tại một báo cáo mới nhất gửi Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau chuyến thực địa của Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cũng lo ngại nếu triển khai dự án theo các quy định hiện hành thì giai đoạn 1 sẽ bị chậm khoảng 5 năm so với nghị quyết của Quốc hội (tức đến 2023 mới khởi công, thay vì trong năm này phải đưa vào khai thác). Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế khuyến nghị Chính phủ chuẩn bị báo cáo Quốc hội các cơ chế đặc thù về bố trí vốn giải phóng mặt bằng, duyệt tiểu dự án tái định cư trước khi thông qua báo cáo khả thi toàn dự án... để cơ quan quyền lực xem xét, “lồng ghép” vào nghị quyết phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020 khi Quốc hội họp phiên toàn thể vào cuối tháng 3 này.

Trả lời phóng viên ngày 3.3, Thứ trưởng Bộ GTVT phụ trách hàng không - Nguyễn Nhật nhìn nhận, công tác chuẩn bị đã chậm tiến độ một vài tháng so với kế hoạch là thật song không đáng ngại bằng việc Tân Sơn Nhất đang quá tải với tốc độ ngày một tăng. “Tuy nhiên, sân bay Long Thành không thể khởi công sớm hơn được nếu không có cơ chế đặc thù”, ông Nhật nhấn mạnh và cho hay Bộ GTVT sẽ tham mưu cho Chính phủ để xin Quốc hội cơ chế riêng khi kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII đang đến gần.

Bảng tiến độ kế hoạch triển khai dự án sân bay Long Thành theo phê duyệt

Chuyên đề

Kết nối đầu tư