Samsung tấn công mảng logistics hàng không Việt Nam

Công ty giải pháp IT và logistics của Samsung - Samsung SDS cho biết sẽ lập liên doanh với Công ty Logistics Hàng không lớn nhất Việt Nam - ALS.
Samsung SDS tuần trước tuyên bố sẽ lập liên doanh với ALS. Ảnh: Tizen Expert
Samsung SDS tuần trước tuyên bố sẽ lập liên doanh với ALS. Ảnh: Tizen Expert

Thông qua liên doanh mới, Samsung SDS sẽ cung cấp dịch vụ logistics tích hợp, gồm vận chuyển hàng trong nước và quốc tế, dịch vụ kho bãi và khai thuê hải quan. Họ cũng sẽ mở rộng kênh bán hàng tại Việt Nam, trên nền tảng khách hàng sẵn có của ALS. Trước đó, Samsung SDS chịu trách nhiệm khoảng 40% hoạt động giao nhận hàng hóa tại Sân bay Quốc tế Nội Bài và cam kết tăng hiện diện tại thị trường logistics (kho vận) Đông Nam Á thông qua liên doanh này.

"Với mạng lưới kinh doanh rộng và đa dạng của ALS, chúng tôi cho rằng Việt Nam là đối tác mang lại lợi ích tối đa cho Samsung SDS", Kim Hyung-tae - Phó chủ tịch mảng Smart Logistics của Samsung SDS cho biết.

Quyết định nêu trên được Samsung đưa ra trong bối cảnh thị trường logistics Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 15-20% mỗi năm. Các công ty đa quốc gia cũng đang dần chuyển nhà máy sản xuất về đây sau Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sự thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

"Linh kiện điện thoại và các thiết bị cầm tay đã trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất Việt Nam từ năm 2013. Chúng tôi tin rằng có thể mở rộng việc kinh doanh trên cơ sở mạng lưới vận chuyển hàng hóa quốc tế hiện tại", Samsung SDS cho biết. Họ cũng khẳng định sẽ tận dụng cơ sở vật chất của đối tác để quản lý tốt hơn mảng logistics tại Việt Nam.

Trước đó từ giữa năm 2014, Samsung cũng đã kiến nghị Cục hàng không, Tổng công ty Cảng (ACV) cho quy hoạch ga hàng hóa ALS như một nhà ga chuyên dụng, trang bị đầy đủ máy soi chiếu an ninh cùng các trang thiết bị khác để phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu của hãng. Khi đó, Samsung cho biết đang là nhà xuất nhập khẩu chính, chiếm 35% sản lượng hàng hóa tại Nội Bài (năm 2013) và dự kiến tăng lên 50% trong vài năm tới. Vì thế, hãng muốn có một ga hàng hóa riêng.

Chuyên đề