Saigonbus tính việc đầu tư lớn, đón cơ hội ở 4 gói thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trung tâm Tư vấn Khoa học và Công nghệ cầu đường cảng vừa mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật Gói thầu Cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên tuyến xe buýt số 29, 57, 99 và 141. Công ty CP Xe khách Sài Gòn (Saigonbus) và Công ty CP Xe khách Phương Trang Futabuslines là 2 nhà thầu tham dự gói thầu này. Hai nhà thầu kể trên cũng đang là đối thủ tại 3 gói thầu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng khác.
Doanh thu 9 tháng năm 2023 của Saigonbus đạt 370,5 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Lê Tiên
Doanh thu 9 tháng năm 2023 của Saigonbus đạt 370,5 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Lê Tiên

4 gói thầu quy mô 1.500 tỷ đồng

Gói thầu nêu trên có giá hơn 424,179 tỷ đồng, trong đó dự toán trợ giá là 298,757 tỷ đồng và dự phòng phí là 125,4 tỷ đồng; Trung tâm Quản lý giao thông công cộng là Chủ đầu tư. Cùng thời điểm, Saigonbus và Phương Trang đang cạnh tranh tại 3 gói thầu khác của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng.

Đó là Gói thầu Cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên tuyến xe buýt số 68, 86 và 102 có giá 231,859 tỷ đồng (dự toán trợ giá 163,346 tỷ đồng và dự phòng phí 68,512 tỷ đồng); Gói thầu Cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên tuyến xe buýt số 16, 41, 61, 73 và 151 có giá hơn 373,345 tỷ đồng (dự toán trợ giá 250,856 tỷ đồng và dự phòng phí 122,488 tỷ đồng); Gói thầu Cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên tuyến xe buýt số 06, 10, 50, 52 và 91 có dự toán hơn 472,843 tỷ đồng (dự toán trợ giá 338,448 tỷ đồng và dự phòng phí 134,294 tỷ đồng).

4 gói thầu cung cấp dịch vụ xe buýt trợ giá trên địa bàn TP.HCM này có tổng giá dự toán hơn 1.500 tỷ đồng; thời gian thực hiện hợp đồng 5 năm, từ năm 2024 đến hết năm 2028.

Ngày 25/9 vừa qua, Đại hội đồng cổ đông của Saigonbus đã thông qua Nghị quyết bất thường về việc đầu tư 322 phương tiện, gồm 194 xe buýt nhóm 2 (từ 17 chỗ đến 40 chỗ) và 128 xe buýt nhóm 3 (từ 41 chỗ đến 60 chỗ) trong trường hợp Công ty trúng các gói thầu nêu trên. Tổng mức đầu tư dự kiến là 631 tỷ đồng.

Được biết, cổ đông lớn nhất nắm giữ 49% cổ phần của Saigonbus hiện là Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) - doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp ráp các loại xe buýt và xe chuyên dùng trong nước. SAMCO cũng từng trúng nhiều gói thầu cung cấp xe buýt cho Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco). Ngoài SAMCO, một cổ đông lớn khác của Saigonbus là Công ty CP Tập đoàn Tân Thành Đô (sở hữu 24,05%) cũng là nhà phân phối lớn của dòng xe thương hiệu Ford, Hyundai.

(Nguồn: Báo cáo tài chính của Công ty, đơn vị tính: tỷ đồng)

(Nguồn: Báo cáo tài chính của Công ty, đơn vị tính: tỷ đồng)

Có lãi trở lại

Chuỗi thua lỗ của Saigonbus bắt đầu từ năm 2018 do phải hoạt động với số chuyến cao hơn nhiều so với năm 2017. Tuy nhiên, chính sách trợ giá xe buýt chỉ đủ hoạt động đến hết tháng 9/2018 và từ đó Công ty bị thiếu hụt nguồn thu, cộng thêm việc chi phí nguyên liệu tăng cao dẫn đến thua lỗ. Các năm sau đó, hoạt động kinh doanh của Saigonbus lại gặp khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sau 4 năm lỗ liên tục, Saigonbus đã có lãi trở lại trong năm 2022. Cập nhập kết quả kinh doanh mới nhất cho thấy, doanh thu 9 tháng năm 2023 của Công ty đạt 370,5 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 27,34 tỷ đồng, gấp 5,8 lần 9 tháng năm 2022. Qua đó kéo số lỗ lũy kế tới cuối tháng 9/2023 chỉ còn 276,5 tỷ đồng.

Chuyên đề