Vinatex áp dụng hình thức chỉ định thầu cho 2/3 số gói thầu của Tập đoàn. Ảnh: NC st |
Chỉ định thầu vẫn “soán” ngôi
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã ban hành Quyết định kiểm tra công tác đấu thầu tại Vinatex từ ngày 14 - 18/12/2015. Nội dung kiểm tra chủ yếu là kiểm tra việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác đấu thầu, phân cấp trong đấu thầu; tình hình thực hiện công tác đấu thầu đối với các dự án có gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu áp dụng quy định Luật Đấu thầu năm 2013 (lập và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuộc dự án; đội ngũ cán bộ, chuyên gia làm công tác đấu thầu; và những vướng mắc, tồn tại trong công tác đấu thầu.
Kết luận kiểm tra cho biết: “Kể từ khi Luật Đấu thầu năm 2013 có hiệu lực thi hành đến nay, Tập đoàn đã tổ chức lựa chọn nhà thầu cho tổng số 255 gói thầu với tổng giá các gói thầu là 1.383.919,83 triệu đồng, tiết kiệm thông qua đấu thầu là 331.062,49 triệu đồng, tương đương 23,92% tổng giá gói thầu”.
“Số lượng gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu là nhiều nhất (136 gói thầu) trong tổng số các gói thầu thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013” – Kết luận kiểm tra đánh giá. Hình thức lựa chọn nhà thầu phổ biến thứ hai được Tập đoàn này thực hiện là chào hàng cạnh tranh (58 gói thầu), tiếp đó là đấu thầu rộng rãi và các hình thức khác.
Phân cấp không đúng thẩm quyền
Theo Kết luận kiểm tra việc thực hiện công tác đấu thầu tại Vinatex, cơ bản các đơn vị thuộc Tập đoàn được kiểm tra đã có sự thay đổi và tiếp cận được phần lớn các quy định mới về đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013. Song, “soi” công tác phân cấp đầu tư xây dựng tại Tập đoàn đã phát hiện: “Việc phân cấp lại dựa trên cơ sở quy định của pháp luật về đấu thầu trước đây như: Luật sửa đổi số 38/2009/QH12 và Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 mà chưa phân cấp theo Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP”.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra cũng phát hiện việc phân cấp để phê duyệt các nội dung trong đấu thầu tại đơn vị này là không đúng thẩm quyền, chưa phù hợp với quy định tại Điều 73, Điều 74 của Luật Đấu thầu năm 2013. Đơn cử như việc phê duyệt các dự án và gói thầu, các nội dung trong đấu thầu (kế hoạch lựa chọn nhà thầu, HSMT, kết quả lựa chọn nhà thầu) đều do Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thực hiện.
Phản ánh đầy đủ hơn tồn tại, sai sót trong công tác đấu thầu tại Tập đoàn này, Kết luận kiểm tra của Bộ KH&ĐT đã nêu ra từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn như về việc đăng tải thông tin đấu thầu, Tập đoàn đã không thực hiện đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Hành vi vi phạm này xảy ra tại 2 gói thầu thuộc Dự án đầu tư Nhà máy Sợi Nam Định (gói thầu Cung cấp, lắp đặt hệ thống đường ống diều không hút bụi; gói thầu Xây dựng nhà sản xuất chính và các công trình phụ trợ).
Kiểm tra về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Bộ KH&ĐT phát hiện một số gói thầu được lựa chọn nhà thầu nhưng kế hoạch lựa chọn nhà thầu lại không được phê duyệt trước đó như gói thầu Tư vấn thiết kế bản vẽ thi công và lập dự toán thuộc Dự án Đầu tư Nhà máy kéo sợ tại Khu công nghiệp Đồng Văn II.
Về HSMT/HSYC, Đoàn kiểm tra phát hiện, văn bản thẩm định HSMT/HSYC còn sơ sài, chủ yếu sao chép lại nội dung trình duyệt mà không đưa ra nhận xét về các nội dung liên quan theo quy định của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Do đó, HSMT/HSYC có nhiều sai sót nhưng đơn vị thẩm định không lưu ý và chuẩn xác lại.