Sai phạm tại Bệnh viện Tim Hà Nội: Hồi chuông cảnh tỉnh với hành vi đấu thầu sai trái

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 13/5/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và một số đơn vị liên quan theo Điều 222 Bộ luật Hình sự. Theo chuyên gia về đấu thầu, đây là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các hành vi đấu thầu sai trái, coi thường pháp luật về đấu thầu.
7 bị can bị khởi tố ngày 13/5/2021 do vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Tim Hà Nội
7 bị can bị khởi tố ngày 13/5/2021 do vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Tim Hà Nội

Trong số 7 bị can bị khởi tố ngày 13/5/2021, có 4 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ tại Bệnh viện Tim Hà Nội, là Ủy viên Hội đồng mua sắm, thành viên Tổ chuyên gia đấu thầu, thành viên Tổ thẩm định đấu thầu gồm: Hoàng Thị Ngọc Hưởng, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội; Nguyễn Thị Dung Hạnh, Kế toán trưởng Bệnh viện Tim Hà Nội; Đoàn Trọng Bình, nguyên Phó phòng vật tư Bệnh viện Tim Hà Nội; Nghiêm Tuấn Linh, nguyên Phó phòng vật tư Bệnh viện Tim Hà Nội. 3 bị can còn lại là lãnh đạo, nhân viên Công ty CP Đầu tư và định giá AIC Việt Nam gồm: Trần Phú Hưng (Tổng giám đốc), Nguyễn Hồng Dũng (Phó Tổng giám đốc) và Nguyễn Trung Dũng (Chuyên viên thẩm định giá).

Qua quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, 7 bị can được xác định đã câu kết với nhau để mua sắm thiết bị vật tư y tế cho Bệnh viện Tim Hà Nội với giá cao hơn thực tế, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tập trung lực lượng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng điều tra vụ án, triệt để thu hồi tài sản cho Nhà nước và người bệnh.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, Công ty CP Đầu tư và định giá AIC Việt Nam có địa chỉ tại quận Ba Đình, Hà Nội. Trong vòng hơn 5 năm trở lại đây, Công ty này được công bố trúng 58 gói thầu trong lĩnh vực định giá tài sản công thông qua chỉ định thầu; trong đó có 15 gói thầu của Tổng cục Hải quan, 12 gói thầu của Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính công Hà Tĩnh, 6 gói thầu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, 5 gói thầu của Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng, 3 gói thầu của Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, 3 gói thầu của Ban Quản lý điều hành Dự án Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh...

Thời gian qua, trong hoạt động mua sắm công đã xảy ra không ít sai phạm về đấu thầu, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách. Việc những hành vi sai phạm trong hoạt động đấu thầu được luật hóa tại Điều 222 Bộ luật Hình sự đã tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho việc xử lý, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu.

Đây là bài học đắt giá đối với những người làm công tác đấu thầu, là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu, về việc không chấp hành nghiêm chỉnh hoặc coi thường các quy định pháp luật đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước và người dân.

Điều 222 Bộ luật Hình sự quy định về “tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;

b) Thông thầu;

c) Gian lận trong đấu thầu;

d) Cản trở hoạt động đấu thầu;

đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;

g) Chuyển nhượng thầu trái phép.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

đ) Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Chuyên đề