Mới đây, tại Lâm Đồng, Gói thầu số 16 Thi công điện chiếu sáng và trạm biến áp thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng đèo Prenn, TP. Đà Lạt (giá dự toán 38,489 tỷ đồng) không chỉ gây ấn tượng về số lượng nhà thầu tham dự (8 nhà thầu), mà còn gây “sốc” vì giá dự thầu giảm sâu. Trong 7 nhà thầu vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật, 4 nhà thầu có giá dự thầu giảm từ 23 - 40,5% so với giá dự toán, gồm: Liên danh Công ty TNHH Xây lắp điện Quang Huy - Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Kỹ thuật T&T, Liên danh Xây lắp điện Nha Trang - Đại Quang Phát, Liên danh Công ty TNHH Xuân Phương Lâm Đồng - Công ty TNHH Xây dựng Việt Sáng, Công ty CP Cơ khí và Xây lắp Lâm Đồng. Giá dự thầu của 3 nhà thầu còn lại (Công ty CP Xây lắp điện Hồng Trường, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Nhất Huy, Liên danh Khai Phát - Tâm Tiến) giảm trong khoảng 9,987% đến dưới 20% so với giá dự toán.
Cũng tại Lâm Đồng, Gói thầu số 03 Thi công nâng cấp, mở rộng đường ĐH11 (đoạn từ trung tâm xã Quảng Lập đến trung tâm xã P'ró), huyện Đơn Dương, giá dự thầu của Công ty TNHH Tú Thọ Lộc là 20,415 tỷ đồng, giảm 15,133% so với giá gói thầu; Công ty TNHH Xây dựng Lam Hồng chào giá 22,226 tỷ đồng, giảm 7,603% so với giá gói thầu.
Tại Quảng Ninh, Gói thầu số 06 thuộc Dự án Nghĩa trang trung tâm huyện Tiên Yên, giai đoạn 2 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh mời thầu có 3 nhà thầu tham dự. Trong đó, Liên danh Công ty CP Vận tải và Xây dựng Uông Bí - Công ty CP Đầu tư TLT Việt Nam chào giá thấp nhất là 21,15 tỷ đồng, giảm 23,115% so với giá dự toán; Công ty CP Xây dựng Hải Ninh chào giá 25,199 tỷ đồng, giảm 8,393% so với giá dự toán… Rốt cuộc, nhà thầu chào giá thấp nhất được lựa chọn trúng thầu.
Tương tự, Gói thầu Xây lắp tuyến cáp quang từ Phan Thiết đến Phan Rang do Ban Quản lý dự án hạ tầng 1 - Chi nhánh Tổng công ty Hạ tầng mạng mời thầu có 4 nhà thầu tham dự, trong đó, Liên danh Đại Lợi - Dương Thảo có giá dự thầu giảm 20,427% so với giá dự toán.
Tại Kiên Giang, Gói thầu số 01 Đường giao thông thuộc Dự án Nâng cấp và mở rộng đường Kênh Giữa, xã Vĩnh Phúc, Vĩnh Điều, huyện Giang Thành có 6 nhà thầu tham dự, trong đó Công ty TNHH Trường Thắng có giá dự thầu giảm 9,136% so với giá gói thầu…
Bình luận về hiện tượng trên, một chuyên gia đấu thầu cho rằng, trước tiên, khi các nhà thầu đồng loạt giảm giá sâu thì cần phải xem xét lại giá gói thầu đã hợp lý, bám sát giá thị trường hay chưa? Thực tế, trường hợp giá gói thầu cao hơn giá thị trường có thể xảy ra nhưng không nhiều, bởi việc xây dựng giá dự toán căn cứ vào định mức xây dựng cụ thể.
Thông thường, mục tiêu lợi nhuận của các nhà thầu đặt ra từ 10 - 20% giá trúng thầu. Nếu giảm quá sâu đồng nghĩa với việc nhà thầu chưa làm đã lỗ. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, một số nhà thầu chấp nhận hòa, thậm chí lỗ để duy trì việc làm. Nhưng điều đáng lo ngại hơn là khả năng một số nhà thầu tham dự không có mục đích trong sáng, lành mạnh, mà nhằm phá cuộc thầu, hoặc theo cách gọi nôm na của giới nhà thầu là “nhà thầu đi chợ”, “đục nước béo cò”.
Trong những trường hợp như trên, chuyên gia đấu thầu khuyến cáo, chủ đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các bên liên quan cần tăng cường giám sát chặt chẽ khâu thực hiện hợp đồng, tránh hành vi gian lận, không thực hiện đúng cam kết, “ăn bớt” các loại vật tư, vật liệu, nhân sự hay hạng mục công trình.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam chỉ ra, “khát” việc là một trong những lý do khiến các nhà thầu chạy đua giảm giá để trúng thầu. “Cuộc đua xuống đáy như vậy làm xấu môi trường đấu thầu. Để môi trường đấu thầu trở thành sân chơi lành mạnh, các nhà thầu cần hành động trên cơ sở đồng lợi và tầm nhìn dài hạn”, ông Hiệp nói.