Rục rịch áp phí, doanh nghiệp thêm lo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự kiến, từ ngày 1/7, một số khoản phí sẽ được áp dụng, tác động trực tiếp tới doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải nói riêng và DN nói chung. Trong khi DN đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, theo một số ý kiến, nếu các loại phí này được áp dụng sẽ đẩy DN vào tình trạng rất khó khăn.
Theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp phải lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải trước 1/7/2021. Ảnh: NC st
Theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp phải lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải trước 1/7/2021. Ảnh: NC st

Doanh nghiệp đang rất khó khăn

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố có 1.365 DN báo cáo gặp khó khăn do dịch Covid-19 với hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc; 2.274 DN hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 4,99% so với cùng kỳ năm ngoái); 9.308 DN tạm ngưng hoạt động (tăng 22,99% so với cùng kỳ năm 2020)...

Số liệu của cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021, cả nước có 59.820 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 31.818 DN tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 53,2% tổng số DN rút lui khỏi thị trường…

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách giúp DN củng cố niềm tin và có động lực mạnh mẽ hơn nhằm khắc phục thiệt hại, vực dậy sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Theo phản ánh của cộng đồng DN, thực tế vẫn có những chính sách gây khó khăn rất lớn liên quan tới chi phí của DN. Điển hình như việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM dự kiến áp dụng từ ngày 1/7 tới; hay yêu cầu triển khai lắp đặt đồng loạt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải trước thời hạn 1/7/2021 của Bộ Giao thông vận tải. Đi kèm với đó, DN vận tải cần đầu tư hệ thống công nghệ thông tin (hệ thống SAN, đường truyền, máy chủ…) để tổng hợp và truyền dữ liệu từ camera cho các cơ quan quản lý…

Theo phân tích của các DN lĩnh vực vận tải, dù ủng hộ chủ trương của Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn thông qua triển khai lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải, nhưng việc lắp đặt ở thời điểm này sẽ có bất cập. Nổi cộm là chi phí cho việc lắp camera khoảng 5 - 10 triệu đồng/xe khách và 5 triệu đồng/xe tải… là quá lớn trong bối cảnh DN cạn kiệt nguồn tiền để duy trì hoạt động do dịch bệnh kéo dài.

Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, nếu những chính sách này được áp dụng sẽ góp phần làm tăng chi phí khiến DN càng thêm khó khăn, thậm chí phá sản.

Đề xuất gỡ khó

Các thông tin dự báo gần đây cho thấy, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, trong khi đó, “sức khỏe” của DN đã thể hiện rõ sự suy giảm. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là lúc DN thực sự cần tâm thế đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước, để dồn mọi nguồn lực vượt qua những tác động có thể chưa lường hết của Covid-19.

Trong Báo cáo tổng hợp phản ánh, kiến nghị của các DN, hiệp hội tháng 4 - 5/2021 gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát các chính sách hỗ trợ DN tiết giảm hoặc tối ưu dòng tiền chi ra trong bối cảnh khó khăn. Các hiệp hội DN đề nghị, các cơ quan chức năng một lần nữa rà soát, làm rõ tính cấp thiết, tính cần thiết của việc áp dụng các quy định nêu trên tại thời điểm này một cách thấu đáo, tránh đẩy DN vào tình trạng kiệt quệ, đổ vỡ.

Trước tình cảnh khó khăn của hầu hết các DN, trong công văn gửi Bộ Giao thông vận tải, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị gia hạn thời điểm thực hiện quy định về lắp camera trên các phương tiện kinh doanh vận tải thêm 1 năm (đến tháng 7/2022, thay vì tháng 7/2021) để hỗ trợ DN.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cách hỗ trợ tốt nhất cho DN hiện nay là nên dừng ban hành các quy định tạo gánh nặng chi phí cho DN.

Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cơ quan này vừa có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải về việc đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN vận tải do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, đề xuất Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ cho phép chưa thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính đối với quy định lắp đặt camera trên phương tiện kinh doanh vận tải hành khách tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP; tiếp tục kiến nghị cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư số 112/2020/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đến hết ngày 31/12/2021 (Thông tư số 112/2020/TT-BTC có hiệu lực từ 1/1/2021 đến hết ngày 30/6/2021)...

Chuyên đề