Rốt ráo cấp phép khai thác vật liệu xây đường cao tốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đồng Nai đang khẩn trương hoàn tất thủ tục cấp phép khai thác vật liệu nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan đến đất đắp nền tại các dự án giao thông trọng điểm. Địa phương này cũng kiến nghị các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang sớm hoàn thành các thủ tục cấp phép để đủ điều kiện sớm đưa các mỏ vào khai thác.
Dự án thành phần 1 thuộc Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cần 398.200 m3 đá xây dựng; 99.600 m3 cát san lấp và 2,2 triệu m3 đất đắp. Ảnh: Phạm Tùng
Dự án thành phần 1 thuộc Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cần 398.200 m3 đá xây dựng; 99.600 m3 cát san lấp và 2,2 triệu m3 đất đắp. Ảnh: Phạm Tùng

Theo tính toán, Dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM và Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Đồng Nai cần lượng lớn vật liệu đắp nền. Cụ thể, tại Dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM, Dự án thành phần (DATP) 1A cần khoảng 124.000 m3 đá xây dựng các loại; 246.300 m3 cát san lấp và 44.700 m3 đất đắp. Cũng tại dự án này, DATP 3 cần 577.700 m3 đá xây dựng; 498.000 m3 cát san lấp và 390.000 m3 đất đắp.

Trong khi đó, DATP 1 thuộc Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cần tới 398.200 m3 đá xây dựng; 99.600 m3 cát san lấp và 2,2 triệu m3 đất đắp. Con số đá, cát, đất đắp cần để thi công DATP 2 thuộc Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu lần lượt là 1,1 triệu m3; 335.000 m3 và 3,1 triệu m3.

Ông Nguyễn Linh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết, đối với đất đắp, vướng mắc lớn nhất là thủ tục đất đai. Để được giao đất, cho thuê đất thì nhà thầu phải thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất; tự thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng với người dân... Đây là yếu tố khiến giá thành vật liệu đẩy tăng cao. Trong khi thực tế, các mỏ vật liệu san lấp thường có diện tích, trữ lượng nhỏ, thời gian thực hiện ngắn (thường dưới 2 năm, theo tiến độ công trình) nên khó khả thi trong điều kiện hiện tại.

Để tháo gỡ khó khăn này, tỉnh Đồng Nai đã xem xét cho thực hiện khai thác, hạ cốt tại khu vực không phải là khu vực quy hoạch mỏ khoáng sản. Nhà thầu tự thỏa thuận với người dân có đất để thực hiện thu hồi vật liệu san lấp, khối lượng vật liệu chỉ phục vụ thi công dự án trọng điểm quốc gia. Nhà thầu có trách nhiệm nộp đủ các khoản thuế, phí theo quy định. Sau khi khai thác, người dân được tiếp tục sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.

Tỉnh Đồng Nai xác định 3 khu vực dự kiến bổ sung vào hồ sơ khảo sát vật liệu và được khai thác gồm: khu vực xã Phước Bình, huyện Long Thành (16,15 ha, trữ lượng khoảng 3,5 triệu m3); khu vực xã Phước Tân, TP. Biên Hòa (9,3 ha, trữ lượng vật liệu khoảng 1 triệu m3); khu vực xã Tam Phước, TP. Biên Hòa (6 ha, trữ lượng khoảng 0,8 triệu m3). Ước tính tổng trữ lượng 3 khu vực khoảng 4,68 triệu m3 đất đắp nền.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, các vị trí bổ sung vào hồ sơ khảo sát vật liệu trên có nguồn gốc đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. Các khu vực này không phải là điểm mỏ, không trong quy hoạch khoáng sản, không phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi rà soát, Sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện quy trình cho phép khai thác 3 khu vực được đề xuất và cố gắng hoàn tất các thủ tục khai thác để sớm có nguồn vật liệu đắp nền cung cấp cho các công trường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 - TP.HCM. Được biết, 3 vị trí khai thác vật liệu trên được giao cho các nhà thầu: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty CP Lizen và Công ty CP Tập đoàn Miền Trung theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết của Quốc hội.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trần Văn Huyện, đại diện Công ty CP Lizen cho biết, Công ty được giao 1 vị trí khai thác với trữ lượng khoảng 180.000 m3. “Chúng tôi đã chủ động khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng. Cuối tuần qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lên họp, hướng dẫn các thủ tục liên quan như trích lục xong bản đồ địa chính. Sau đó, chúng tôi nộp hồ sơ lên Sở Xây dựng. Bên cạnh đó đó, chúng tôi cùng đại diện Sở Giao thông vận tải đi khảo sát thực tế, kiểm tra vị trí tại xã Phước Bình để chuẩn bị phương án bảo đảm an toàn giao thông khi khai thác, vận chuyển vật liệu. Phương án bảo vệ môi trường cũng đang được hoàn tất”, ông Huyện cho hay. Theo ông Huyện, các sở, ngành tỉnh Đồng Nai đang rốt ráo hướng dẫn thực hiện thủ tục với kỳ vọng vị trí đất đắp sẽ bắt đầu đi vào khai thác cuối tháng 10/2024.

Chuyên đề