Rốt ráo các giải pháp hóa giải nỗi lo thiếu điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những ngày gần đây, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) liên tục làm việc với các ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế nhằm thu xếp vốn chuẩn bị đầu tư Dự án Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối. Hàng loạt dự án nguồn và lưới điện cũng đang tăng tốc… nhằm hóa giải nỗi lo thiếu điện.
Nhiều dự án nguồn điện đang được đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Dương Giang
Nhiều dự án nguồn điện đang được đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Dương Giang

Tăng tốc triển khai các dự án

Dự báo về nhu cầu điện trong thời gian tới, ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng Ban Kinh doanh thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong năm 2024 và 2025, hệ thống điện cả nước có thể tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nhu cầu điện tiếp tục tăng cao trung bình khoảng 9%/năm, có thể lên tới 10 - 11%/năm ở khu vực miền Bắc, tạo áp lực cho đầu tư nguồn điện và hạ tầng điện.

Nhận thức rõ những thách thức này, thời gian gần đây, Bộ Công Thương, EVN cùng các đơn vị liên quan rốt ráo triển khai các giải pháp hóa giải nguy cơ thiếu điện, trong đó tăng tốc thực hiện các dự án điện mới và cũ.

Đối với các dự án mới, trong đó có Dự án Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối nhằm cung ứng điện cho miền Bắc, ngày 23/8, Phó Tổng giám đốc EVNNPT Vũ Trần Nguyễn đã có cuộc làm việc với Ngân hàng Bank of China (Hồng Kông) để thu xếp vốn. Trước đó, EVNNPT đã làm việc với các ngân hàng trong nước (BIDV, VietinBank, Vietcombank, ACB, VIB) để tìm nguồn vốn đầu tư Dự án.

EVNNPT cũng đã chủ động làm việc với các địa phương để chuẩn bị giải phóng mặt bằng và làm việc với các bộ, ngành, địa phương liên quan để hoàn thiện thủ tục đầu tư Dự án.

Với Dự án Nhiệt điện Na Dương II, Tổng công ty Điện lực TKV - Chủ đầu tư Dự án cho biết đang lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 28 Gói thầu EPC - Nhà máy chính thuộc Dự án sau nhiều lần mời thầu nhưng chưa tìm được nhà thầu. “Ngày 28/8, Tổng công ty sẽ tổ chức Hội nghị tiền đấu thầu giúp nhà thầu hiểu rõ hồ sơ mời thầu nhằm xây dựng hồ sơ dự thầu thật chính xác. Thời điểm đóng/mở thầu sẽ diễn ra vào ngày 22/9”, một cán bộ thuộc Chủ đầu tư chia sẻ.

Bên cạnh các dự án điện mới, nhiều dự án điện đã triển khai cũng được ngành điện đẩy nhanh tiến độ, trong đó có Dự án Đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống (phần trên lãnh thổ Việt Nam) để nhập khẩu điện từ Lào. Ông Trần Kim Vũ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc cho biết, EVNNPT, Ban và các nhà thầu cùng đơn vị liên quan đang tích cực tháo gỡ vướng mắc để đưa Dự án về đích vào cuối năm nay.

Nhiều dự án nguồn và lưới điện khác cũng đang được EVN phát động thi đua trên công trường như: Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng; Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I…

Kêu gọi đẩy mạnh tiết kiệm điện

Song hành với việc đầu tư các dự án nguồn và lưới điện, ông Trần Viết Nguyên cho rằng, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân cần tiếp tục thực thi chính sách về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, đồng hành cùng ngành điện giảm bớt áp lực cho hệ thống điện.

Theo ông Nguyên, tiềm năng tiết kiệm điện còn rất lớn. Đơn cử, trong 5 nhóm khách hàng của ngành điện thì hộ gia đình là nhóm khách hàng tiêu thụ điện lớn thứ 2, chiếm 35% tổng lượng điện tiêu thụ. Việc thực thi các giải pháp tiết kiệm điện trong nhóm khách hàng này rất quan trọng, bắt đầu từ những hành vi nhỏ như: dùng bóng đèn compact thay cho bóng đèn sợi đốt, không bật điều hòa dưới 26 độ C…

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận cho rằng, do giá điện trong nước rẻ lại được phủ rộng trên toàn quốc nên việc phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, doanh nghiệp theo hình thức “tự sản, tự tiêu” chưa hấp dẫn. Trong tiêu thụ điện, thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, thiết bị sản xuất cũ, chậm đổi mới nên có tỷ lệ hao hụt điện lớn khi vận hành. Từ thực tế này, Việt Nam cần có chính sách giá điện phù hợp để thúc đẩy tiết kiệm điện và thu hút đầu tư.

Ông Thịnh cũng cho rằng, cấp thẩm quyền cần sớm ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII, trong đó có những giải pháp đột phá để thúc đẩy thu hút đầu tư, hóa giải nỗi lo thiếu điện đang cận kề. Nhu cầu vốn triển khai Quy hoạch rất lớn, cần được xã hội hóa với sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Nhà đầu tư chỉ “xuống tiền” khi thấy có lợi nhuận, bảo đảm an toàn với cơ chế chính sách phù hợp và dài hạn.

Chuyên đề