Rộng mở bầu trời, phương Nam cất cánh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sự kiện khởi công 2 nhà ga Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành và Nhà ga T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2023 không chỉ là dấu mốc quan trọng với ngành hàng không Việt Nam mà còn mang tới kỳ vọng tạo thêm động lực cho “đầu tàu” kinh tế Đông Nam Bộ cất cánh...
Khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đạt công suất 100 triệu lượt hành khách/năm
Khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đạt công suất 100 triệu lượt hành khách/năm

Mở rộng bầu trời

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, Dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 là công trình cấp đặc biệt, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Với quy mô đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ, Cảng HKQT Long Thành có công suất 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, cảng HKQT này sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu lượt hành khách/năm, trở thành cảng hàng không lớn nhất Việt Nam và là một trong những điểm trung chuyển nhộn nhịp của khu vực.

Dự án nhà ga hành khách Long Thành có giá trị hơn 35.000 tỷ đồng, khởi công ngày 31/8/2023. Lãnh đạo ACV cho biết, công trình này lấy hình ảnh hoa sen làm ý tưởng chính, sử dụng xuyên suốt quá trình thiết kế. Theo thiết kế, nhà ga hành khách của cảng HKQT Long Thành được áp dụng các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực hàng không với chủng loại vật liệu, đảm bảo độ bền, tính thẩm mỹ, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Cùng với Dự án 35.000 tỷ đồng, ACV cũng khởi công các công trình thuộc khu bay Cảng HKQT Long Thành, với tổng mức đầu tư 7.308 tỷ đồng.

Công trình Nhà ga hành khách T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất thi công trong 20 tháng, dự kiến hoàn thành đưa vào chạy thử vào đầu quý II/2025. Nhà ga hành khách T3 có 3 hạng mục chính: nhà ga hành khách; nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga với tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, T3 sẽ là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu lượt hành khách/năm, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.

Ông Lại Xuân Thanh cho biết, việc cùng lúc khởi công xây dựng 3 công trình (tổng mức đầu tư hơn 53.298 tỷ đồng) đánh dấu sự phát triển đặc biệt của ACV. Các nhà ga hàng không khởi công lần này giúp nâng công suất thêm 45 triệu lượt hành khách/năm, góp phần mở rộng bầu trời, tạo không gian phát triển mới, phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia cho vùng kinh tế động lực Đông Nam Bộ.

Nhà ga hành khách Cảng hàng không Long Thành dần thành hình. Ảnh: Lê Tiên

Nhà ga hành khách Cảng hàng không Long Thành dần thành hình. Ảnh: Lê Tiên

Vươn tới thịnh vượng

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khởi công các gói thầu thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách; đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay Cảng HKQT Long Thành và Nhà ga T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Cảng HKQT Long Thành và nhà ga hành khách T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất là 2 dự án đặc biệt lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống cảng hàng không quốc gia. Khi hoàn thành, các dự án sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm vận chuyển lớn trong khu vực và trên thế giới, mở ra không gian phát triển mới với “hệ sinh thái kinh tế sân bay”, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo ACV, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất là 1 trong 3 cửa ngõ hàng không quốc tế lớn nhất, có vai trò quan trọng trong hệ thống cảng hàng không toàn quốc. Trong khi đó, Cảng HKQT Long Thành là cửa ngõ lớn và quan trọng quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Trong vài năm tới, hai cảng hàng không Long Thành và Tân Sơn Nhất cùng với hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt, cảng biển sẽ hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị cho hạt nhân TP.HCM và các tỉnh động lực công nghiệp Đông Nam Bộ.

Ngày 7/6/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 648/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2050, sẽ hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế ngang tầm khu vực. Một trong 2 trung tâm này là vùng TP.HCM với hạt nhân là 2 cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Long Thành.

Mô hình Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Mô hình Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai đang tổ chức lập Quy hoạch tỉnh, trong đó dự kiến quy hoạch 2 trung tâm logistics ở phía Đông Bắc (xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) và phía Nam (xã Tân Hiệp, huyện Long Thành) của Cảng HKQT Long Thành, quy mô mỗi khu vực khoảng 100 ha. Hai trung tâm này sẽ kết hợp với Cảng HKQT Long Thành, hệ thống cảng biển nhóm IV tại Đồng Nai hình thành chuỗi liên kết dịch vụ logistics, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của hàng chục khu công nghiệp trên địa bàn. “Cảng HKQT Long Thành giữ vai trò trung tâm, góp phần chia sẻ tình trạng quá tải tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, cùng với các tuyến giao thông kết nối đang được triển khai sẽ mở thêm không gian phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ về phía Đông TP.HCM. Đây là yếu tố then chốt để nâng tầm kinh tế vùng trọng điểm nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng”, ông Võ Tấn Đức nói.

Trong vài năm tới, hai cảng hàng không Long Thành và Tân Sơn Nhất cùng với hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt, cảng biển sẽ hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị cho hạt nhân TP.HCM và các tỉnh động lực công nghiệp Đông Nam Bộ.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội logistics Việt Nam cho biết, thị trường hàng hóa vận tải đường hàng không của Việt Nam là rất tiềm năng. Tốc độ tăng trưởng thường là 2 con số, tổng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 khoảng gần 2 triệu tấn. Nhà ga T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và nhà ga Cảng HKQT Long Thành là yếu tố quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển logistics Việt Nam, đặc biệt đối với cực tăng trưởng là vùng kinh tế Đông Nam Bộ.

Theo giới chuyên gia, Đông Nam Bộ là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển nhưng còn nhiều “điểm nghẽn”. Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics (chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước) đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước. Hai nhà ga T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và nhà ga Cảng HKQT Long Thành được khởi công sẽ góp phần tháo “điểm nghẽn” về hạ tầng, mở rộng giới hạn bầu trời cho sự phát triển trong thời kỳ mới.

“Cảng HKQT Long Thành với công suất 5 triệu tấn hàng hóa thông qua đáp ứng với tầm nhìn khoảng 20 năm phát triển. Tuy nhiên, nên quy hoạch trung tâm logistics hàng không tại các vùng phụ cận, tiếp thu mô hình sân bay Changi, Inchon… để phát huy được thế mạnh những dịch vụ thuộc chuỗi cung ứng logistics hàng không. Bên cạnh đó, cũng cần quy hoạch những kho hàng không kết nối, nối dài tại các vùng tập trung hàng hóa nhằm giúp chuỗi cung ứng được vận hành liên tục”, ông Lê Duy Hiệp nói.

Chuyên đề