Rộng cửa kết nối bầu trời phương Nam với thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ ưu tiên đầu tư hình thành trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế ngang tầm khu vực tại vùng TP.HCM.
Các dự án phát triển kết cấu hạ tầng sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực và thế giới. Ảnh: Song Lê
Các dự án phát triển kết cấu hạ tầng sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực và thế giới. Ảnh: Song Lê

Theo đó, đầu tư cảng hàng không mới, mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không tại trung tâm kinh tế vùng bảo đảm tiêu chuẩn hiện đại, ngang tầm quốc tế. Với định hướng này, hoạt động đầu tư cảng hàng không đang được tập trung nguồn lực lớn, rộng cửa kết nối bầu trời phương Nam với thế giới.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng

Hiện nay, tại khu vực phía Nam, 2 dự án hạ tầng hàng không trọng điểm đang được ưu tiên đầu tư là Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1 và Dự án Nhà ga hành khách T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Theo đánh giá của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), tiến độ xây dựng tại các dự án này đang đảm bảo đúng kế hoạch.

Tại công trường nhà ga hành khách và đường cất hạ cánh Cảng HKQT Long Thành, phóng viên Báo Đấu thầu ghi nhận các nhà thầu đang huy động hàng nghìn người, thiết bị tập trung thi công các hạng mục. Báo cáo mới nhất của ACV cho thấy, các hạng mục đều bám sát tiến độ đã đề ra, riêng đường cất hạ cánh vượt 2 tháng so với kế hoạch và dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2025. Công trình nhà ga hành khách đã hoàn thành toàn bộ phần bê tông cốt thép cột, dầm sàn, dự kiến tháng 9/2024 sẽ hoàn thành thi công toàn bộ hạng mục kết cấu bê tông cốt thép để bắt đầu lắp dựng kết cấu thép mái.

Tiến độ các tuyến kết nối cũng đang được tập trung thi công. Theo đó, nhà thầu đã huy động trên công trường 756 người, 198 thiết bị tổ chức triển khai đồng loạt các mũi thi công. Tính đến đầu tháng 8/2024, giá trị khối lượng thi công đạt khoảng 1.096 tỷ đồng, tương ứng 45,88% giá trị hợp đồng. Theo ACV, dự kiến tuyến số 1 (kết nối với Quốc lộ 51) hoàn thành vào tháng 11/2025; nút giao tuyến số 2 (kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) hoàn thành tháng 10/2025; bàn giao đưa vào sử dụng cả 2 tuyến kết nối vào tháng 12/2025. ACV đang chuẩn bị khởi công 3 gói thầu xây lắp chính khác, gồm: Gói thầu số 4.7 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình sân đỗ tàu bay và các công trình khác (6.368 tỷ đồng); Gói thầu số 4.8 Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị, lập thiết kế bản vẽ thi công công trình giao thông nội cảng và hạ tầng kỹ thuật cảng hàng không (11.440 tỷ đồng); Gói thầu số 4.9 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay (3.287 tỷ đồng).

Dự án Nhà ga hành khách T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cũng đang có tiến độ xây dựng vượt kế hoạch. Ông Lê Khắc Hồng, Trưởng ban Quản lý Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T3 cho biết, đến đầu tháng 8/2024, giá trị sản lượng đã thực hiện của Dự án là 5.880,2 tỷ đồng trên tổng giá trị hợp đồng đã ký là 10.835 tỷ đồng, tương ứng 54,3%. Hiện nay, Gói thầu Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga gồm 4 hạng mục chính (nhà ga hành khách - PTB, nhà xe cao tầng và dịch vụ phi hàng không - PNA, nhà cơ điện - UC, hệ thống cầu cạn và sân đỗ máy bay) đang được các nhà thầu dồn lực thi công. Phần kết cấu bê tông thô thuộc các hạng mục PTB, PNA, UC đều đạt khối lượng trên 75%, trong đó nhiều phần đạt 100% như bê tông thô, xây lắp cơ điện thuộc nhà UC. Sân đỗ máy bay cũng hoàn thành 100% vào tháng 7/2024 và đang nghiệm thu đưa vào khai thác. Ở hạng mục cầu tầng, phần cầu Ram C2 đã hoàn thành 100% khối lượng, phần cầu chính đạt 74%, dự kiến hoàn thiện vào tháng 2/2025.

Theo ACV, phần hoàn thiện kiến trúc, hệ thống thiết bị… cũng đang được các nhà thầu xây lắp tích cực thực hiện. Theo đánh giá chung, tổng khối lượng đã thực hiện của Nhà ga hành khách T3 đạt khoảng 70% và sẽ hoàn thành toàn bộ vào ngày 30/3/2025.

Mở “nút thắt”, tạo không gian phát triển mới

Dự án Đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 là công trình cấp đặc biệt, với công suất 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Với năng lực tiếp nhận các máy bay code C, E, F, Long Thành trở thành cảng hàng không lớn nhất Việt Nam, dự kiến là một trong những điểm trung chuyển nhộn nhịp của khu vực trong tương lai. Với Nhà ga hành khách T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, sau khi hoàn thành sẽ là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu lượt hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại tàu bay code C và code E, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn.

Theo ông Lại Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT ACV, 2 nhà ga hàng không trên đánh dấu sự phát triển đặc biệt của hệ thống cảng hàng không Việt Nam, khi hoàn thành sẽ nâng công suất thêm 45 triệu lượt hành khách/năm, góp phần mở rộng bầu trời, tạo không gian phát triển mới, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia cho vùng Đông Nam Bộ.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại phía Nam, vùng TP.HCM sẽ là trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế ngang tầm khu vực với hạt nhân là 2 cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Long Thành. Bên cạnh đó, có 3 cảng hàng không sẽ được đầu tư mới hoặc mở rộng, gồm: Cà Mau, Phan Thiết, Côn Đảo.

Cụ thể, tháng 6/2024, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau, tạo cơ sở để thực hiện các bước đầu tư mở rộng, nâng cấp, nâng công suất lên 1 triệu khách/năm đến năm 2030 và 3 triệu khách/năm đến năm 2050. Theo đó, quy mô đường băng dài 2.400 m, rộng 45 m, đồng thời xây dựng thêm các đường lăn, sân đỗ đảm bảo tiếp nhận các tàu bay thương mại tầm trung như A321/320/310.

Đối với hạng mục dân dụng, Cảng hàng không Phan Thiết sẽ được đầu tư theo loại hợp đồng BOT. Hội đồng thẩm định liên ngành vừa có kết quả thẩm định về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Theo báo cáo này, Dự án có vốn đầu tư hơn 5.057 tỷ đồng. UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Tỉnh sẽ lựa chọn nhà đầu tư vào tháng 10/2024, sau đó triển khai xây dựng và dự kiến vận hành khai thác từ tháng 12/2026.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị tiếp tục triển khai Dự án Nâng cấp, mở rộng khu bay sân bay Côn Đảo bằng nguồn vốn đầu tư công để sớm đưa vào khai thác. Theo tính toán, đường cất hạ cánh của sân bay này đạt chiều dài 2.400m với ước tính mức đầu tư sơ bộ hơn 10 nghìn tỷ đồng, đáp ứng việc đón nhận các tàu bay code C.

Dự kiến tới năm 2027, khi các dự án trên hoàn thành sẽ khai thông “nút thắt” cho khu vực phía Nam, nâng cao năng lực vận tải hàng không sau thời kỳ dài quá tải.

Trong lễ khởi công xây dựng công trình Nhà ga hành khách Cảng HKQT Long Thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu: Phát triển kết cấu hạ tầng là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Cảng HKQT Long Thành và Nhà ga hành khách T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống mạng cảng hàng không quốc gia. Các dự án sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực và trên thế giới, mở ra không gian phát triển mới với “hệ sinh thái kinh tế sân bay”, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chuyên đề