Ảnh Internet |
Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đã tăng từ mức 49,7 điểm trong tháng 8 lên 50,2 điểm trong tháng 9 - cao hơn dự báo của giới phân tích là 50 điểm.
PMI, số liệu thống kê chính thức đầu tiên trong tháng 9, bổ sung thêm những dấu hiệu ổn định của nền kinh tế Trung Quốc - vốn đã chùng xuống sau đợt bùng nổ tăng trưởng vào đầu năm khi các chính sách hạn chế Covid-19 được dỡ bỏ.
Trước đó, những tín hiệu cải thiện đã xuất hiện vào tháng 8, với sản lượng của các nhà máy và doanh số bán lẻ tăng nhanh, trong khi mức giảm của hoạt động xuất nhập khẩu được thu hẹp và áp lực giảm phát được giải tỏa. Lợi nhuận của doanh nghiệp ngành công nghiệp bất ngờ tăng 17,2% trong tháng 8, đảo ngược mức giảm 6,7% của tháng 7.
Zhou Hao, Nhà kinh tế trưởng tại Guotai Junan International, cho biết: "PMI ngành sản xuất cùng với số liệu lợi nhuận doanh nghiệp công nghiệp cho thấy nền kinh tế đang dần thoát đáy".
PMI phi sản xuất của Trung Quốc, bao gồm các chỉ số phụ cho hoạt động của ngành dịch vụ và xây dựng, đạt 51,7 điểm trong tháng 9, cao hơn mức 51 điểm của tháng 8.
Chỉ số PMI tổng hợp, bao gồm hoạt động sản xuất và phi sản xuất, đã tăng lên 52 điểm trong tháng 9 từ mức 51,3 điểm của tháng 8.
Các chỉ số kinh tế ổn định hơn là tín hiệu đáng mừng đối với các nhà hoạch định chính sách trong bối cảnh họ đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản khiến thị trường toàn cầu chao đảo. Giới chức Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp nhằm vực dậy thị trường bất động sản, bao gồm cắt giảm lãi suất thế chấp, mặc dù lĩnh vực này sẽ còn rất lâu mới thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Giá nhà mới giảm nhanh nhất trong 10 tháng vào tháng 8 và đầu tư bất động sản giảm tháng thứ 18 liên tiếp.
China Evergrande Group - nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới với khoản nợ hơn 300 tỷ USD - mới đây cho biết, nhà sáng lập Tập đoàn đang bị điều tra vì nghi ngờ có hành vi phạm tội.
Ngân hàng Phát triển châu Á tuần trước đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Trung Quốc xuống 4,9% so với dự báo tăng 5% đưa ra hồi tháng 7, do sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản.
Các nhà phân tích cho rằng sẽ cần thêm hỗ trợ chính sách để đảm bảo nền kinh tế Trung Quốc có thể đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay của chính phủ nước này.
"Nền kinh tế Trung Quốc ổn định một phần nhờ việc nới lỏng các chính sách trong lĩnh vực bất động sản. Vấn đề quan trọng trong tương lai là liệu chính sách tài khóa có hỗ trợ thêm hay không. Tôi nghĩ là sẽ như vậy, nhưng việc thay đổi lập trường chính sách tài khóa có thể xảy ra vào năm tới thay vì năm nay", Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, nhận định.