RCEP: Ngành nào hưởng lợi, ngành nào bất lợi?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Việt Nam được đánh giá là một trong số các quốc gia hưởng lợi lớn nhất. Trong đó, có một số ngành hàng được hưởng lợi lớn, cũng có nhiều ngành hàng sẽ gặp bất lợi. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội từ RCEP, điều cốt lõi vẫn là tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, nhất là trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế.
Những mặt hàng được hưởng lợi từ RCEP gồm dệt may, công nghiệp nhẹ, rau quả. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Những mặt hàng được hưởng lợi từ RCEP gồm dệt may, công nghiệp nhẹ, rau quả. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), các nước thành viên RCEP là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam. Trung bình giai đoạn 2010 - 2019, các nước thành viên RCEP chiếm tỷ trọng hơn 40% trong tổng xuất khẩu và trên 70% trong tổng nhập khẩu của Việt Nam.

NCIF cho biết, sử dụng mô hình dự án phân tích thương mại toàn cầu (GTAP) với trường hợp cắt giảm thuế quan, kết quả cho thấy Việt Nam và Hàn Quốc là 2 quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP với GDP tăng lần lượt 0,38% và 0,29% so với kịch bản cơ sở.

Về thương mại, RCEP tác động làm tăng xuất khẩu 3,75% và nhập khẩu tăng 3,87%. Đối với xuất khẩu theo nhóm hàng hóa, kết quả cho thấy những mặt hàng được hưởng lợi từ RCEP gồm dệt may (19,8%), công nghiệp nhẹ (5,7%), rau quả (5,25%). Tuy nhiên, một số mặt hàng chịu tác động bất lợi khi Việt Nam tham gia RCEP như thịt gia súc, gia cầm (-7,71%), dịch vụ khác (-7,7%), vận tải và thông tin truyền thông (-3,32%). Về nhập khẩu, theo nhóm hàng hóa, các mặt hàng đều tăng lên, lớn nhất là dệt may (12,81%), công nghiệp nhẹ (6,08%). Trong đó, xuất khẩu dệt may tăng mạnh ở thị trường Trung Quốc, nhóm hàng rau quả tăng xuất khẩu sang Hàn Quốc và các nước ASEAN khác, xuất khẩu hàng điện tử giảm ở thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Australia, tăng ở Nhật Bản và New Zealand. Bên cạnh đó, Việt Nam tăng nhập khẩu từ các nước thành viên RCEP và giảm từ các đối tác bên ngoài. Điều này cho thấy RCEP tác động làm chuyển hướng thương mại đối với Việt Nam.

Theo NCIF, RCEP không tạo ra cú sốc về giảm thuế quan, do Việt Nam hoặc ASEAN đều có các hiệp định thương mại tự do (FTA) với 5 đối tác còn lại. Về cơ bản, RCEP là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác trong một hiệp định. Ví dụ doanh nghiệp chỉ phải sử dụng một quy tắc xuất xứ thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây. Vì vậy, RCEP chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng mới. Do đó, để tận dụng cơ hội từ RCEP, các chính sách của Chính phủ cần hướng tới tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bởi một trong những thách thức lớn nhất là doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ đối thủ thuộc các nền kinh tế RCEP, đặc biệt là Trung Quốc do nước này đã tham gia sâu rộng vào mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu, có sự tương đồng trong cơ cấu xuất khẩu với Việt Nam, nhất là ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.

NCIF khuyến nghị, cần tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; tạo môi trường cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ hiện đại, tham gia vào các công đoạn tạo giá trị gia tăng lớn hơn trong chuỗi giá trị sản phẩm sản xuất. Chính phủ có thể đóng vai trò là tạo lập thị trường công nghệ, mồi sản phẩm mới trong các công đoạn của các chuỗi giá trị các ngành. Tăng cường năng lực kiểm soát các công nghệ nhập khẩu.

Đồng thời, cung cấp, chia sẻ thông tin nhanh chóng và kịp thời đến doanh nghiệp về các cam kết trong Hiệp định, yêu cầu cụ thể với từng ngành hàng cần thực hiện để doanh nghiệp chủ động đầu tư tiếp cận thị trường mới.

Mặt khác, điểm mấu chốt ảnh hưởng đến cạnh tranh xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam vẫn là chủ động được nguồn nguyên vật liệu đầu vào. Do vậy, cần có các chính sách khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là trong các ngành Việt Nam có lợi thế so sánh để mở rộng thị phần; tăng tốc phát triển công nghệ 4.0 để đón đầu các xu thế mới.

Chuyên đề