Ràng buộc nhà đầu tư đấu giá đất dự án để tránh lãng phí

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sửa đổi pháp luật đất đai và pháp luật về đấu giá tài sản (ĐGTS) là cơ hội để hiện đại hóa và đồng bộ nền tảng pháp lý, tránh những bất cập trong thực thi. Liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất (ĐGQSDĐ), một số ý kiến đề xuất quy định cụ thể mốc thời gian nhà đầu tư trúng đấu giá phải hoàn thành dự án, hạn chế tình trạng dự án “đắp chiếu”, gây lãng phí nguồn lực.
Rất nhiều quỹ đất “đắp chiếu” trong thời gian dài sau khi được giao cho nhà đầu tư. Ảnh: Nhã Chi
Rất nhiều quỹ đất “đắp chiếu” trong thời gian dài sau khi được giao cho nhà đầu tư. Ảnh: Nhã Chi

Ngày 15/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kết thúc thời gian lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, quy định về ĐGQSDĐ tại Điều 126 Dự thảo Luật là một trong những nội dung nhận được nhiều góp ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và người dân.

Điều 126 Dự thảo Luật quy định về điều kiện chủ thể được tham gia ĐGQSDĐ. Trường hợp tổ chức, cá nhân tham gia ĐGQSDĐ với mục đích thực hiện dự án đô thị, dự án khu dân cư nông thôn, dự án xây dựng nhà ở thương mại thì phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn. Qua nghiên cứu, góp ý cho Dự thảo Luật, Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế cho rằng, cần xem xét thêm một số điều kiện khác theo quy định của pháp luật về ĐGTS, trong đó lưu ý vấn đề liên quan đến “tiền đặt trước” với mức “tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá” (Điều 39 Luật ĐGTS). Đối với những trường hợp ĐGTS có giá trị lớn có thể xem xét quy định người trúng đấu giá phải nộp thêm “tiền đặt trước” ngay sau khi trúng đấu giá để ràng buộc trách nhiệm.

Tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương tổ chức mới đây, ông Lương Anh Tế, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Hải Dương nêu quan điểm, bản chất kinh tế của ĐGQSDĐ là quan hệ giữa một người bán (Nhà nước) và nhiều người mua để bán được giá cao nhất. Nhưng trên thực tế, trong những năm qua, các dự án đô thị, khu dân cư hầu như chỉ định nhà đầu tư hạ tầng rồi chuyển nhượng đất nền, rất ít dự án thực hiện ĐGQSDĐ đúng nghĩa. Các nhà đầu tư dự án khu đô thị, khu dân cư rất muốn được Nhà nước thu hồi đất rồi giao cho họ (với giá rẻ) để đầu tư hạ tầng, sau đó bán kiếm lời. Nếu để nhà đầu tư tự thỏa thuận thì chắc ít người đầu tư vào lĩnh vực này.

Ông Tế cho rằng, cần cân nhắc các quy định để đưa vào Luật một cách cẩn trọng. Nếu các dự án khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu nhà ở thương mại là diện Nhà nước thu hồi rồi ĐGQSDĐ thì phải quy định cụ thể về giá bồi thường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất, doanh nghiệp thực hiện dự án. Việc đấu giá phải thực sự công khai, trong đó tính tới trường hợp chỉ có một tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá.

Khoản 3 điểm h Điều 126 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ghi: “Người trúng đấu giá phải đảm bảo hoàn thành dự án theo tiến độ nhưng không quá 5 năm kể từ ngày được bàn giao đất tại thực địa”. Ông Tế nêu quan điểm, thời gian hoàn thành dự án không nên quy định chung là không quá 5 năm mà cần quy định theo từng dự án được phê duyệt. Trường hợp bất khả kháng, cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án cho gia hạn nhưng không quá 5 năm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp thuộc Sở Tư pháp Hà Nội bày tỏ đồng thuận với quy định thời gian cụ thể để yêu cầu người trúng đấu giá, nhà đầu tư đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng tiến độ. Ông Cường cho biết, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về mốc thời gian nhà đầu tư trúng đấu giá phải hoàn thành dự án, việc này để lại hệ lụy là rất nhiều quỹ đất “đắp chiếu” sau khi được giao cho nhà đầu tư.

Ông Cường đặc biệt quan tâm tới vấn đề “tiền đặt trước” khi tham gia đấu giá. Các văn bản luật và dưới luật liên quan tới pháp luật đất đai cần có quy định về quy trình, thủ tục ĐGQSDĐ thực hiện dự án; đối với các quỹ đất nhỏ, lẻ thì quy định, thủ tục đấu giá sẽ khác. Các quy trình, thủ tục này nếu chưa quy định ở Luật Đất đai thì sẽ phải quy định rõ trong Luật ĐGTS. Ông Cường cho rằng, tiền đặt trước đối với ĐGQSDĐ dự án có quy mô lớn có thể tới mức 20 - 50% giá khởi điểm để tránh việc nhà đầu tư tham gia với mục đích “thổi giá” dự án và thổi giá cả những lô đất bên cạnh dự án đã thuộc sở hữu của nhà đầu tư.

Chuyên đề