“Ra quân” chấn chỉnh công tác đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ thị chấn chỉnh công tác đấu thầu gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực vừa được Bộ Giao thông vận tải và một số địa phương ban hành. Trong đó chỉ đạo nghiêm cấm nhiều hành vi, nhận diện “quân xanh, quân đỏ”, dàn xếp thông thầu, quy định trách nhiệm, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để có giải pháp chấn chỉnh, xử lý vi phạm, đặc biệt trong bối cảnh pháp luật về đấu thầu đã có quy định tương đối đầy đủ về các hành vi này.
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý công tác đấu thầu gắn với phòng chống tham nhũng, lãng phí đối với các dự án hạ tầng giao thông do Bộ quản lý. Ảnh: Nhã Chi
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý công tác đấu thầu gắn với phòng chống tham nhũng, lãng phí đối với các dự án hạ tầng giao thông do Bộ quản lý. Ảnh: Nhã Chi

Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu, quản lý thi công xây dựng gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ quản lý. Chỉ thị yêu cầu các cấp chủ đầu tư giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh của nhà thầu (nếu có) theo đúng quy định; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà thầu, không để xảy ra tình trạng kiến nghị, khiếu nại kéo dài, vượt thẩm quyền trong đấu thầu.

Ban Cán sự đảng Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan lựa chọn nhân sự có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và có đủ điều kiện theo quy định tham gia tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), hồ sơ đề xuất (HSĐX) phải trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch; các nhà thầu được lựa chọn phải đáp ứng điều kiện năng lực, kinh nghiệm, nguồn lực tài chính thực hiện dự án, gói thầu, đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu của dự án. Bộ GTVT cũng nghiêm cấm các hành vi thông đồng, móc ngoặc để hợp thức hóa hồ sơ thủ tục, làm sai lệch hồ sơ, kết quả công việc, tăng khống khối lượng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chèn ép, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các đơn vị để thu lợi cá nhân; áp đặt chỉ định mỏ vật liệu, chỉ định nguồn gốc, xuất xứ vật tư, vật liệu; gửi nhà thầu, nhà thầu phụ, nhà thầu cung cấp hàng hóa, vật tư, vật liệu cho dự án.

Tại Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Lê Ô Pích vừa ký văn bản về việc nâng cao chất lượng công tác đấu thầu và đẩy mạnh các biện pháp nhằm công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động đấu thầu trên địa bàn. Văn bản yêu cầu tổ chức lập hồ sơ mời thầu (HSMT), đánh giá HSDT và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu, trong mọi trường hợp, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm nếu lựa chọn đơn vị tư vấn đấu thầu không đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm dẫn đến sai sót từ phía đơn vị tư vấn đấu thầu, hoặc đơn vị tư vấn đấu thầu có hành vi vi phạm như dàn xếp, cố tình gây ra sai sót trong lập, thẩm định HSMT/HSYC, đánh giá HSDT/HSĐX; thông thầu.

Bộ GTVT chỉ đạo nghiêm cấm các hành vi: đưa, nhận, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu, dàn xếp, thông thầu, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, đặt ra các điều kiện bất hợp lý, không phù hợp trong HSMT, HSYC, đặc biệt có các hành vi cản trở, hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

Cùng thời điểm này, UBND tỉnh An Giang chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi về hoạt động lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư, đặc biệt đối với những gói thầu có nhiều kiến nghị, phản ánh tiêu cực, vi phạm; những gói thầu có ít nhà thầu tham dự và có tỷ lệ tiết kiệm thấp; những trường hợp một nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại một địa phương, một chủ đầu tư, bên mời thầu trong thời gian dài. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kịp thời có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Thời gian qua, Báo Đấu thầu đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng các nhà thầu bị loại vì những lý do cơ bản như không bảo đảm tư cách hợp lệ (bảo lãnh dự thầu, đơn dự thầu không hợp lệ), không đạt năng lực, kinh nghiệm (không đáp ứng yêu cầu về nhân sự chủ chốt, thiết bị). Đặc biệt, dù được bên mời thầu yêu cầu làm rõ, nhà thầu không phúc đáp dẫn tới bị loại. Tuy nhiên, đối chiếu với dữ liệu được công bố, các nhà thầu này đủ năng lực, kinh nghiệm đáp ứng quy mô của gói thầu.

Một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu quy định tại Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 là: “Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của HSMT nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ HSDT hoặc khi yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu”. Theo các chuyên gia đấu thầu, nếu các cấp thẩm quyền, chủ đầu tư quyết liệt với hành vi này sẽ dần hạn chế tình trạng dàn xếp, thông thầu, “quân xanh, quân đỏ”, giúp tăng cường hiệu quả đấu thầu.

Chuyên đề