Quyết tâm xóa bỏ các chiêu cài cắm hạn chế nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ còn vài ngày nữa, Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT (TT08) quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chính thức có hiệu lực. Đây là thông tư được kỳ vọng sẽ siết chặt hành vi cài cắm các tiêu chí hạn chế nhà thầu, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm hàng hóa, làm phát sinh kiến nghị kéo dài.
Yêu cầu hàng mẫu, giấy phép bán hàng hay nhân sự không phù hợp là những tiêu chí gây hạn chế cạnh tranh thường xuất hiện trong hồ sơ mời thầu các gói mua sắm hàng hóa. Ảnh: Huyền Trang
Yêu cầu hàng mẫu, giấy phép bán hàng hay nhân sự không phù hợp là những tiêu chí gây hạn chế cạnh tranh thường xuất hiện trong hồ sơ mời thầu các gói mua sắm hàng hóa. Ảnh: Huyền Trang

Công ty TNHH MTV Đồng Vy đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập của các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện Cai Lậy năm 2022. Gói thầu có dự toán 2.995.800.000 đồng, đóng thầu ngày 22/7/2022. Bên mời thầu đã yêu cầu số lượng 3 nhân sự chủ chốt: quản lý chung, quản lý thực hiện hợp đồng, phụ trách kỹ thuật và kiểm soát chất lượng (KCS) với tiêu chí “trình độ tối thiểu tốt nghiệp đại học thuộc chuyên ngành quản trị kinh doanh hoặc kế toán hoặc kinh tế. Đã thực hiện công việc quản lý chung ít nhất 3 năm. Từng tham gia quản lý thực hiện ít nhất 1 hợp đồng cung cấp thiết bị có giá trị hợp đồng 2,097 tỷ VND”.

Tại Gói thầu Đầu tư trang thiết bị triển khai đề án khám chữa bệnh từ xa cho các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Long An do Sở Y tế tỉnh Long An mời thầu có dự toán 1.663.765.000 đồng, trong quá trình làm rõ, Bên mời thầu này yêu cầu nhà thầu phải cung cấp bảng cam kết tham gia thực hiện gói thầu của 4 nhân sự được chứng thực chữ ký của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành.

Các yêu cầu về nhân sự nêu trên đều không phù hợp với quy định hiện hành, gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình dự thầu.

Trong khi đó, tình trạng yêu cầu phải có giấy phép bán hàng thuộc bản quyền của nhà sản xuất đối với hàng hóa hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác với các hãng cung cấp hàng hóa hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương vẫn còn rất nhiều. Cụ thể, cả 2 gói thầu do Công ty TNHH MTV Đồng Vy, Sở Y tế Long An mời thầu đều đưa ra yêu cầu này. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại Gói thầu số 1 Trang cấp máy vi tính xách tay phục vụ hoạt động của đại biểu HĐND thị xã khóa III, nhiệm kỳ 2021 - 2026 do Trung tâm Thông tin - Tư vấn - Dịch vụ tài chính Tiền Giang làm bên mời thầu.

Tình trạng HSMT yêu cầu quá nhiều ISO, chứng chỉ cho hàng hóa thông dụng cũng đang bị lạm dụng để làm khó nhà thầu.

Thực tế, các tiêu chí dẫn tới cản trở nhà thầu tham dự như trên đã được đề cập đến trong nhiều văn bản như Nghị đinh 63, Thông tư số 05/2015 /TT-BKHĐT, Chỉ thị số 47 /CT-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Tuy nhiên, khi triển khai nhiều bên mời thầu chưa cập nhật kịp thời, hoặc cố tình vi phạm.

Thực tế, các tiêu chí dẫn tới cản trở nhà thầu tham dự như trên đã được đề cập đến trong nhiều văn bản như Nghị đinh 63, Thông tư số 05/2015 /TT-BKHĐT, Chỉ thị số 47 /CT-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Tuy nhiên, khi triển khai nhiều bên mời thầu chưa cập nhật kịp thời, hoặc cố tình vi phạm.

Do đó, TT08 được kỳ vọng sẽ loại bỏ những hành vi cài cắm này. Theo thống kê của phóng viên, Thông tư đã tổng hợp toàn bộ các chiêu trò cài cắm tiêu chí, quy định trong HSMT dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Theo đó, TT08 liệt kê 6 nội dung vi phạm quy định tại Điều 12 Nghị đinh 63/2014/NĐ-CP đối với tất cả các gói thầu liên quan tới nhân sự, thiết bị, xác nhận tham gia hội nghị tiền đấu thầu, quy định năng lực kinh nghiệm cao hơn mức yêu cầu, quy định hợp đồng tương tự tại địa bàn, đơn vị cụ thể; nhân sự phải đóng bảo hiểm xã hội, ký hợp đồng lao động với nhà thầu…

Ngoài ra, đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, Thông tư quy định một số tiêu chí không được đưa vào HSMT. Cụ thể, khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật đưa ra các yêu cầu mà chỉ có một sản phẩm cụ thể của một hãng sản xuất cụ thể đáp ứng trong khi trên thị trường có nhiều hãng sản xuất có thể có thể cung cấp hàng hóa thuộc gói thầu; yêu cầu giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương đối với những hàng hóa thông dụng, đơn giản; yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử; yêu cầu về hàng hóa mẫu đối với gói thầu không thuộc quy định; yêu cầu phải có giấy cam kết hỗ trợ kỹ thuật do nhà sản xuất ban hành và phải có dấu xác nhận của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà phân phối; yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với phần công việc cung cấp hàng hóa; yêu cầu về giấy chứng nhận ISO đối với nhà thầu không phải là nhà sản xuất; yêu cầu về thiết bị chủ chốt để thực hiện gói thầu.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện 1 nhà thầu cung cấp hàng hóa tại TP.HCM cho biết, những nội dung mà TT08 đưa ra gần như đã đọc vị toàn bộ các chiêu bài cài cắm, làm khó nhà thầu đang được một số bên mời thầu sử dụng. Khi Thông tư có hiệu lực, chắc chắn, tình trạng này sẽ được cải thiện rất nhiều, tạo niềm tin cho nhà thầu về một sân chơi bình đẳng, minh bạch, hiệu quả.

Chuyên đề