Quyết tâm tìm lại nhịp tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau những tháng đầu năm 2023 với tăng trưởng kinh tế ở mức khiêm tốn, Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có nhiều giải pháp kết nối thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, khó khăn khách quan còn rất lớn, buộc các doanh nghiệp, doanh nhân phải năng động hơn, sáng tạo hơn, hành động quyết liệt để chủ động vượt khó. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân chia sẻ cảm nhận về môi trường kinh doanh và quyết tâm tìm lại nhịp tăng trưởng.

Từng bước tìm lại nhịp tăng trưởng

Ông Trần Thọ Huy, Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam

Hai năm gần đây, do ảnh hưởng tình hình kinh tế suy thoái, thị trường bất động sản, xây dựng đình trệ kéo theo sản phẩm thang máy cũng ế ẩm. Doanh thu Công ty chúng tôi giảm đều 20%/năm. Do đó, thu nhập của người lao động cũng giảm so với thời điểm trước dịch. Tuy nhiên, những chuyển biến tích cực bắt đầu xuất hiện trở lại.

Các giải pháp, chính sách điều hành từ Chính phủ đã “bắt đúng bệnh”, nhưng để nhanh vực dậy tăng trưởng cần phải thực thi quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đã đề ra. Quyết tâm từ nội lực là quan trọng, nhưng cũng cần thấy một thực tế rằng, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên khả năng phục hồi sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế thế giới.

Với sự nỗ lực cao của Chính phủ, tôi tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ đứng vững và các doanh nghiệp sẽ từng bước tìm lại đà tăng trưởng. Điều đáng quý là trải qua những biến động, thách thức lớn, chất lượng tăng trưởng doanh nghiệp trong tương lai sẽ thực chất hơn.

Chính phủ, địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng

Những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, hoặc tạm ngừng hoạt động, thậm chí giải thể, phá sản. Tuy nhiên, nhiều chủ trương, chính sách của Chính phủ, địa phương đang dần đi vào thực tiễn, thúc đẩy, khơi thông lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Tại Đà Nẵng, chính quyền Thành phố công khai minh bạch các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư, tạo nguồn tín dụng, “giải cứu” một số lĩnh vực kinh tế để các doanh nghiệp có cơ hội duy trì, mở rộng sản xuất và có kế hoạch đầu tư các dự án mới.

Với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng, chúng tôi đang và sẽ tiếp tục tạo diễn đàn cho doanh nghiệp kết nối, trao đổi cơ hội kinh doanh, hỗ trợ xây dựng và phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đồng thời, Hiệp hội cũng là một kênh kịp thời cung cấp các thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong việc tìm kiếm và phát triển thị trường.

Khối lượng công việc dần cải thiện

Ông Bùi Tuấn Ngọc, Tổng giám đốc Công ty CP Công trình 207

Dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ việc tiếp cận tín dụng giờ đã dễ thở hơn, lãi vay đã giảm, đơn cử như chúng tôi đang được vay với mức lãi suất 7,2%/năm. Bên cạnh đó, khối lượng công việc đã tăng hơn trước nhờ việc đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ. Đồng thời việc nhiều gói thầu thực hiện qua mạng cũng giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội việc làm.

Diễn biến tích cực về tín dụng, việc làm đang dần rõ nét, nhưng nhà thầu xây dựng vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn khác, nhất là vấn đề nợ đọng. Có những công trình nhà thầu đã thi công bàn giao cho chủ đầu tư từ cuối năm 2016 và đã đưa vào sử dụng hết bảo hành 4 năm, nhưng hiện vẫn chưa thu được khoản tiền nợ cả chục tỷ đồng. Bên cạnh đó hiện nhiều chủ đầu tư vẫn áp dụng hợp đồng đơn giá cố định đối với các công trình có thời gian thực hiện hơn 1 năm. Theo tôi, việc sử dụng đơn giá cố định thời điểm này là không phù hợp.

Ngoài ra, nhà thầu cũng phải đối mặt với sự biến động giá vật liệu, đặc biệt là giá cát. Giá cát đang tăng đột biến, nhưng chủ đầu tư vẫn áp dụng định mức xây dựng cơ bản của giá cát cũ. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến nhà thầu không có lợi nhuận. Rất mong chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe những khó khăn doanh nghiệp đang phải đối mặt để có những điều chỉnh cho phù hợp thực tế.

Linh hoạt nhưng quyết đoán, sẵn sàng nguồn lực phục hồi

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)

Thị trường xuất khẩu những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024 chưa thấy nhiều điểm sáng, cả về bức tranh chung cũng như ngành dệt may. Đặc biệt, bối cảnh hiện nay có nhiều thay đổi khi những nhận định đều cho thấy, khó khăn sẽ kéo dài, thậm chí đủ dài để sàng lọc và loại khỏi cuộc chơi những doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng.

Vì thế, theo tôi, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần hết sức tỉnh táo, linh hoạt nhưng quyết đoán, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để đón nhận trạng thái “bình thường mới” của thị trường với một số đặc điểm chính như: cầu thị trường ở mức cân bằng mới, xu hướng thấp; đơn hàng nhỏ, lẻ, yêu cầu kỹ thuật và chất lượng sản phẩm khắt khe; thời gian giao hàng nhanh; khách hàng có xu hướng sử dụng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái chế…

Vinatex với mô hình Tập đoàn gồm nhiều đơn vị thành viên, sẽ tập trung vào các giải pháp phát huy tối đa sức mạnh tổng thể, tái cấu trúc để đáp ứng linh hoạt hơn với xu hướng thị trường, coi đó là điều kiện tiên quyết để tiếp tục phát triển và cải thiện vị thế của mình trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Cụ thể, Vinatex hình thành và thúc đẩy hoạt động của các ban sản xuất kinh doanh sợi - vải - may - gia dụng, nhằm tận dụng kinh nghiệm của các đơn vị tốt, hỗ trợ các đơn vị yếu cải thiện hoạt động và hiệu quả sản xuất. Xây dựng Trung tâm phát triển sản phẩm và kinh doanh hàng thời trang của Tập đoàn nhằm nâng cao giá trị thương hiệu của Vinatex. Đồng thời, Vinatex coi việc số hóa công tác quản trị là trọng tâm để tối ưu hóa các nguồn lực sản xuất, tăng năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm…

Lĩnh vực du lịch hồi phục mạnh mẽ

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Sun Group vùng Miền Trung

Dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã nhận thấy những tín hiệu kinh tế phục hồi, nhất là lĩnh vực du lịch. Lượng du khách trong và ngoài nước đã đến Việt Nam nhiều hơn, trải đều ở các trung tâm du lịch Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng. Điều này, một phần do nhu cầu đi du lịch của người dân tăng mạnh trở lại sau khi hoạt động giao thương giữa các quốc gia được bình thường hóa, phần khác là sức hấp dẫn từ các sản phẩm du lịch mới từ các doanh nghiệp làm du lịch, cũng như sự hỗ trợ, tạo điều kiện và định hướng từ địa phương.

Các doanh nghiệp, trong đó có Sun Group rất vui mừng khi chính quyền địa phương đưa ra các giải pháp đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ các dự án lớn đang triển khai sớm đi vào hoạt động, tạo nền tảng cho doanh nghiệp phục hồi.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư