Quyết liệt gỡ rào cản phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh nền kinh tế nhiều thách thức, doanh nghiệp bị bủa vây bởi khó khăn chưa từng có trong những năm qua, Chính phủ đã phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển.
Từ đầu năm 2023, Thủ tướng, tổ trưởng các tổ công tác đã nhiều lần kiểm tra hiện trường dự án, làm việc với địa phương để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, đôn đốc giải ngân đầu tư công. Ảnh: Dương Giang
Từ đầu năm 2023, Thủ tướng, tổ trưởng các tổ công tác đã nhiều lần kiểm tra hiện trường dự án, làm việc với địa phương để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, đôn đốc giải ngân đầu tư công. Ảnh: Dương Giang

Việt Nam: Điểm sáng trong bức tranh xám màu

Tại Hội nghị Thủ tướng gặp mặt nhà đầu tư nước ngoài vừa diễn ra, đại diện các hiệp hội đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư đều đánh giá rất cao công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ thời gian qua. Theo ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng đã điều hành quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong năm 2022, khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Việt Nam đã làm tốt trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nhanh chóng thích ứng với kỷ nguyên chuyển đổi số mới. Ngoài ra, Chính phủ đã kịp thời thành lập các nhóm công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng; xử lý khó khăn của thị trường bất động sản và các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời mở cửa biên giới Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh ngoại giao kinh tế.

Ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam, ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam đều đánh giá rất cao nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường chính sách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết những thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang phải đối mặt.

Thủ tướng khẳng định tinh thần khó khăn lớn hơn thì phải nỗ lực nhiều hơn, kịp thời phản ứng chính sách có hiệu quả đối với diễn biến nảy sinh. Quá trình điều hành giữ đúng nguyên tắc cơ bản nhưng linh hoạt, sáng tạo, lấy hiệu quả làm thước đo.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khắc phục ngay những hạn chế, bất cập. Theo dõi sát diễn biến tình hình và có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, vừa tập trung xử lý những nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao, vừa quyết liệt giải quyết các tồn đọng kéo dài và những vấn đề đột xuất phát sinh. Vì vậy, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam là “điểm sáng trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu trong năm 2022. Tiếp đà tăng trưởng tích cực trong năm 2022, trong 3 tháng đầu năm 2023, Việt Nam vẫn duy trì đà phát triển, đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản. Vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế, nâng hạng tín nhiệm và dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 ở mức 6,3 - 7,0%.

Nhìn lại trong thực tế điều hành, nhiều nghị quyết của Chính phủ liên tiếp được ban hành trong thời gian qua để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hoạt động đầu tư.

Dẫn chứng trong điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành 12 nghị quyết (3 nghị quyết chuyên đề), 4 công điện, 7 văn bản; tổ chức 3 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; duy trì hoạt động của 6 tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân, tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và giải quyết, ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Nhờ đó, nhiều vướng mắc, khó khăn đã được xử lý kịp thời, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có sự chuyển biến rõ rệt, tháng sau cao hơn tháng trước và tăng tốc vào những tháng cuối năm.

Năm 2023, các tổ công tác thúc đẩy giải ngân đầu tư công đôn đốc kiểm tra từ đầu năm để tháo gỡ kịp thời vướng mắc. Từ đầu năm 2023, Thủ tướng, tổ trưởng các tổ công tác đã nhiều lần kiểm tra hiện trường dự án, làm việc với địa phương để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, đôn đốc giải ngân đầu tư công. Thủ tướng đã chỉ đạo tiến độ, ban hành công điện tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng…

Nhiều chính sách mới đang và sẽ được ban hành nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các dự án đầu tư, dự án bất động sản, nhà ở xã hội... Ảnh: Hoài Tâm

Nhiều chính sách mới đang và sẽ được ban hành nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các dự án đầu tư, dự án bất động sản, nhà ở xã hội... Ảnh: Hoài Tâm

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2023, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập tổ công tác của địa phương tháo gỡ từ cơ sở…

Bên cạnh đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các dự án đầu tư; xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân.

Gần đây là Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 13/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được Chính phủ ban hành, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao. Ông Lê Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM chia sẻ, Nghị quyết 33, Nghị định 10 đã phản ánh được nguyện vọng, kiến nghị của doanh nghiệp để xử lý nhiều khó khăn vướng mắc của các dự án đầu tư bất động sản nói chung, nhà ở xã hội nói riêng. Doanh nghiệp rất kỳ vọng những giải pháp này được thực thi hiệu quả.

Trước những khó khăn lớn của doanh nghiệp bộc lộ rõ nét trong quý I/2023, trong những ngày gần đây, Chính phủ liên tiếp ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025; Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

Tại Nghị quyết 58, Chính phủ nêu rõ tinh thần tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Khơi thông các điểm nghẽn với phương châm "sớm nhất, hiệu quả nhất", huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị nguồn lực cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Tập trung giải quyết các bất cập pháp lý, các chồng chéo, mâu thuẫn trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường; chủ động đơn giản hóa các quy định cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, trừ trường hợp cần thiết và phải đánh giá tác động tới doanh nghiệp...

Nói không với khó khăn

Trong những chỉ đạo gần đây, Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, cần đặc biệt quan tâm, sớm có những giải pháp mới, có tính đột phá để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Thủ tướng khẳng định tinh thần khó khăn lớn hơn thì phải nỗ lực nhiều hơn, kịp thời phản ứng chính sách có hiệu quả đối với diễn biến nảy sinh. Quá trình điều hành giữ đúng nguyên tắc cơ bản nhưng linh hoạt, sáng tạo, lấy hiệu quả làm thước đo. Trước các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc lắng nghe với tinh thần cầu thị; "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm". Trong ngắn hạn, phải chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư hiện hữu; khẩn trương xử lý triệt để cho doanh nghiệp, không để khó khăn tồn đọng kéo dài; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư ngay ở cấp cơ sở. Vấn đề thể chế chỗ nào vướng ở Trung ương, chỗ nào ở địa phương phải xử lý nhanh, không đùn đẩy, né tránh.

Bên cạnh phản ứng chính sách, theo ông Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thực tiễn giai đoạn 2020 - 2022 cho thấy, muốn nền kinh tế hồi phục và phát triển một cách bền vững, bên cạnh những giải pháp ứng phó linh hoạt với các cú sốc, cơ bản nhất vẫn là phải cải thiện các nền tảng tăng trưởng, đặc biệt là thể chế kinh tế. Việt Nam cần tiếp tục tìm ra những điểm nghẽn về thể chế kinh tế để tháo gỡ, kiên trì cải thiện nền tảng vĩ mô, xem đây là chìa khóa mang lại niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Chuyên đề