Quý kinh doanh buồn của nhiều doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mùa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 ghi nhận nhiều doanh nghiệp báo lợi nhuận giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí báo lỗ. Bên cạnh những trường hợp đã được dự báo trước do bối cảnh kinh doanh khó khăn, không ít trường hợp gây bất ngờ cho thị trường.
Nhiều doanh nghiệp xi măng công bố doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh. Ảnh: Trần Dũng
Nhiều doanh nghiệp xi măng công bố doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh. Ảnh: Trần Dũng

Sự sụt giảm được dự báo trước

Báo cáo tài chính quý III/2023 của Công ty CP Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã cổ phiếu NT2) ghi nhận doanh thu thuần giảm tới 62,3% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 816,4 tỷ đồng. Giá vốn vượt doanh thu khiến Công ty lỗ gộp 132,1 tỷ đồng. Mặc dù lợi nhuận từ hoạt động tài chính trong kỳ tăng mạnh nhưng không đủ để bù đắp sự sụt giảm của hoạt động kinh doanh chính. Kết quả, Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch 2 báo lỗ sau thuế 123,8 tỷ đồng trong quý III/2023, ghi nhận quý thua lỗ đầu tiên trong vòng 3 năm trở lại đây. Khoản lỗ này khiến cho lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Công ty giảm tới 64,7% so với cùng kỳ năm 2022 và mới thực hiện 54% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Việc Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch 2 báo lỗ sau chuỗi lợi nhuận đều đặn trước đó đã phần nào được dự báo trước bởi trong năm 2023, Công ty có lịch dừng máy đại tu kéo dài tới 44 ngày. Việc dừng máy làm giảm sản lượng trong khi phát sinh thêm nhiều chi phí tất yếu ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Câu chuyện tương tự cũng được ghi nhận tại Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (mã cổ phiếu QTP). Việc sản lượng điện thương phẩm giảm do có tổ máy tiến hành sửa chữa định kỳ khiến doanh thu quý III của Nhiệt điện Quảng Ninh giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước, lãi sau thuế giảm 92,1%, chỉ còn 11,6 tỷ đồng, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Trong lĩnh vực hóa chất, Công ty CP Hóa chất Đức Giang (mã cổ phiếu DGC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 với doanh thu thuần giảm 33,3% so với cùng kỳ năm 2022. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế giảm tới 46,9%. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của Công ty giảm 49% so với cùng kỳ 2022, đạt 2.504 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh của Hóa chất Đức Giang không gây nhiều bất ngờ, bởi với hoạt động chính là sản xuất và kinh doanh phốt pho vàng, doanh thu và lợi nhuận của Công ty phụ thuộc nhiều vào biến động giá và nhu cầu sản phẩm này trên thị trường. Trong bối cảnh giá phốt pho giảm trở lại sau khi tăng mạnh vào năm 2022, sự sụt giảm lợi nhuận của Hóa chất Đức Giang đã được dự báo trước.

Trong lĩnh vực bất động sản, Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã cổ phiếu PDR) vừa báo lãi quý III giảm tới 86% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,7 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là sụt giảm khoản thu nhập bất thường. Cụ thể, trong quý III/2022, Công ty ghi nhận khoản doanh thu tài chính đột biến từ thương vụ chuyển nhượng vốn tại công ty thành viên - Công ty CP Địa ốc Sài Gòn KL cho đối tác. Năm nay không còn nguồn doanh thu đột biến, lợi nhuận của Công ty giảm trở lại là dễ hiểu, dù doanh thu thuần trong quý III/2023 gấp 31,6 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 354,8 tỷ đồng.

Với không ít doanh nghiệp bất động sản khác, kết quả kinh doanh chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc thanh khoản thị trường giảm mạnh, việc thu xếp dòng tiền trả nợ và tái đầu tư cho các dự án gặp khó khăn, tiến trình tháo gỡ vướng mắc pháp lý kéo dài. Đơn cử, Công ty CP Đầu tư Hải Phát (mã cổ phiếu HPX) báo lãi sau thuế quý III/2023 giảm 95,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh doanh thu thuần giảm 58,5%, lợi nhuận gộp giảm 74% so với quý III/2022.

Chịu ảnh hưởng từ bối cảnh kinh doanh khó khăn, sức cầu yếu, nhiều doanh nghiệp thủy sản, dệt may dự báo lợi nhuận giảm sâu trong quý III/2023.

Cũng chịu ảnh hưởng từ bối cảnh kinh doanh khó khăn, sức cầu yếu, nhiều doanh nghiệp thủy sản, dệt may dự báo lợi nhuận giảm sâu trong quý III/2023. Báo cáo tài chính mới công bố của Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã cổ phiếu TCM) cho biết, lợi nhuận sau thuế quý III giảm 41,5% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế 9 tháng giảm tới 49,7%.

Nếu như việc lợi nhuận giảm sâu, thậm chí báo lỗ tại các doanh nghiệp trên đã phần nào được dự báo trước, thì với nhiều doanh nghiệp khác, sự sụt giảm lợi nhuận hay thua lỗ lại gây bất ngờ cho thị trường.

Nhiều khoản lợi nhuận giảm sâu, thua lỗ gây bất ngờ

Trong lĩnh vực phân bón, sau khi giá tăng mạnh do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy vì xung đột quân sự Nga - Ukraine bùng phát đầu năm 2022, giá phân urea đã giảm trở lại và được kỳ vọng hồi phục từ đầu quý III/2023. Ngoài ra, môi trường lãi suất, tỷ giá trong kỳ thuận lợi hơn được cho là giúp lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng trưởng. Lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón như Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã cổ phiếu DCM) được kỳ vọng sẽ cải thiện trở lại trong quý III.

Tuy nhiên, thực tế những yếu tố tích cực này chưa đủ bù đắp cho sự gia tăng của giá khí đầu vào, làm tăng chi phí giá vốn và kéo giảm biên lợi nhuận mảng sản xuất và kinh doanh phân urea của Công ty. Báo cáo tài chính quý III/2023 của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau gây bất ngờ với nhà đầu tư khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 74,1 tỷ đồng, giảm 89,9% so với cùng kỳ năm 2022, ghi nhận mức lợi nhuận theo quý thấp nhất trong 4 năm.

Trong lĩnh vực vận tải biển, Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (mã cổ phiếu VOS) vừa báo lỗ 23,3 tỷ đồng sau thuế trong quý III/2023, ghi nhận quý thua lỗ đầu tiên trong 2,5 năm gần đây, dù doanh thu đạt gần 716 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là giá vốn hàng bán tăng mạnh khiến Công ty rơi vào tình trạng doanh thu không đủ bù đắp chi phí. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của Công ty CP Vận tải biển Việt Nam đạt 50,8 tỷ đồng, giảm 89,2% so với cùng kỳ năm 2022 và mới hoàn thành 25,4% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong ngành xi măng, Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (mã cổ phiếu HT1) cũng gây bất ngờ khi báo lỗ 10,3 tỷ đồng trong quý III/2023, ghi nhận quý thua lỗ thứ 2 trong năm 2023, trái với kỳ vọng lợi nhuận khởi sắc nhờ xu hướng giảm mạnh của giá than (nhiên liệu chính trong sản xuất xi măng, clinker) và sản lượng tiêu thụ được cải thiện nhờ đẩy mạnh đầu tư công. Kết quả kinh doanh của Xi măng Vicem Hà Tiên đi xuống trong bối cảnh hoạt động xây dựng dân dụng suy yếu do những khó khăn của thị trường bất động sản. Riêng trong quý III/2023, doanh thu thuần của Công ty giảm 30,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Xi măng Vicem Hà Tiên đạt 5.265 tỷ đồng, giảm 20,3% so với cùng kỳ 2022 và lỗ sau thuế 37,2 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2022 lãi 203,9 tỷ đồng). Trước bối cảnh kinh doanh quý IV/2023 còn nhiều khó khăn, Xi măng Vicem Hà Tiên đang đứng trước nguy cơ thua lỗ năm đầu tiên trong hơn chục năm trở lại đây.

Doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh cũng là tình trạng được ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp khác trong ngành xi măng như Vicem Hoàng Mai, Vicem Bút Sơn, Vicem Hải Vân…

Nhìn chung, bên cạnh các doanh nghiệp báo giảm lợi nhuận do không còn những khoản thu nhập đột biến, bất thường như cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính suy giảm mạnh tại nhiều doanh nghiệp trong mùa báo cáo tài chính quý III năm nay phản ánh thực tế bối cảnh kinh doanh còn nhiều khó khăn với sức cầu tiêu thụ yếu tại cả thị trường trong nước và xuất khẩu, biến động bất thường của nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất…

Chuyên đề