Quy hoạch TP. Hải Phòng: Cần lộ trình rõ ràng để phát triển nhanh và bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải đánh giá được điểm nghẽn nào đang cản trở sự phát triển của Thành phố, đưa ra được định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, phân bổ nguồn lực không gian để Thành phố có lộ trình rõ ràng nhất cho phát triển nhanh và bền vững.

Đây là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Phiên họp thẩm định Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức chiều ngày 10/7/2023 tại Hà Nội.

Cân nhắc thành lập khu thương mại tự do nhờ lợi thế cảng biển

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Phiên họp. Ảnh: Đức Trung

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Phiên họp. Ảnh: Đức Trung

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Quy hoạch TP. Hải Phòng là cơ hội quý để Thành phố đánh giá lại quá trình phát triển trong thời gian qua, tìm ra đâu là tiềm năng, điểm nghẽn, rào cản trong phát triển. TP. Hải Phòng cũng cần làm rõ thời gian sắp tới cần làm gì để tạo động lực với tư duy mới, tầm nhìn mới, giá trị mới trong phát triển.

Đánh giá về tiềm năng của Hải Phòng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi, ở vị trí "đặc biệt quan trọng của cả nước", ở giữa 2 hành lang quan trọng (Trung Quốc - Hải Phòng - Hà Nội và từ Côn Minh qua Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng). Hải Phòng là địa phương duy nhất có cảng biển quốc gia ở phía Bắc; có đầy đủ 5 phương thức vận tải giao thông...

Mặc dù vậy, Hải Phòng vẫn còn nhiều rào cản, điểm nghẽn trong phát triển; phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong giải quyết bài toán cho sự phát triển. Do đó, Quy hoạch TP. Hải Phòng cần có cách tiếp cận hết sức đặc biệt, vị thế của Hải Phòng đặt lên "vai" địa phương này sứ mệnh trở thành địa phương phát triển mang tính dẫn dắt cho vùng; có lộ trình rõ ràng để phát triển nhanh nhất, bền vững nhất.

"Hải Phòng có thể phải nghĩ tới việc thành lập khu thương mại tự do với lợi thế của cảng biển, không thì rất lãng phí nguồn lực. Với việc hình thành Khu kinh tế Nam Đồ Sơn, Quy hoạch cũng phải làm rõ cơ sở, điều kiện, tiêu chí mà Thành phố phải đáp ứng được", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Khai thác tiềm năng lợi thế về kinh tế biển

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng. Ảnh: Đức Trung

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng. Ảnh: Đức Trung

Với vị thế chiến lược là cửa ngõ chính ra biển của các địa phương miền Bắc, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế, theo ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, Thành phố đã xác định 2 mục tiêu, định hướng phát triển lớn đưa ra trong Quy hoạch.

Theo đó, Hải Phòng là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước, Hải Phòng phát triển không chỉ vì Thành phố mà vì cả khu vực và cả nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.

Đặc biệt, Quy hoạch Thành phố đã định hướng xây dựng cảng Nam Đồ Sơn gắn với việc thành lập Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng và kết nối đường cao tốc ven biển, sân bay Tiên Lãng nhằm khai thác tiềm năng lợi thế về kinh tế biển, mở rộng không gian phát triển kinh tế, tăng cường liên kết vùng.

3 đột phá phát triển nhờ cảng biển và logistics, chuyển đổi số và du lịch

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Theo Quy hoạch TP. Hải Phòng, Quy hoạch xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030 xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; có dịch vụ phát triển hiện đại, là trung tâm du lịch biển quốc tế, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không và đường thủy nội địa; trung tâm logistics quốc tế hiện đại; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ...

Trong thời kỳ quy hoạch, Thành phố tập trung thực hiện 3 đột phá phát triển. Một là, cảng biển và logistics với định hướng xây dựng TP. Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại. Xây dựng cảng cửa ngõ Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ quốc tế có chức năng trung chuyển container. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển và logistics. Mở rộng không gian phát triển khu kinh tế ven biển trên địa bàn Thành phố.

Hai là, chuyển đổi số toàn diện theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Phát triển mạnh kinh tế số, trước hết là ba trụ cột kinh tế: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của dân cư.

Ba là, xây dựng quần thể du lịch biển Hải Phòng (Cát Bà - Đồ Sơn) có sức hấp dẫn cao, thu hút mạnh mẽ khách du lịch quốc tế và trong nước, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mạnh của Thành phố. Liên kết với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là Quảng Ninh và các tỉnh Duyên hải Đông Bắc, trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng lớn trong khu vực và thế giới, thành phố hàng hải toàn cầu với ba trụ cột phát triển chính (dịch vụ cảng biển; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế); có trình độ phát triển cao, môi trường sống tốt, thân thiện với tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu, ngang tầm với các thành phố cảng hàng đầu châu Á và thế giới.

Chuyên đề