Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long: Cần dấu ấn, đột phá hơn nữa trong phương án phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vĩnh Long là một trong ba tỉnh của vùng duyên hải phía Đông được thiên nhiên ưu đãi; do vậy, theo một số chuyên gia, mục tiêu quy hoạch Tỉnh trong thời gian tới là trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, công nghiệp chế biến - chế tạo công nghệ cao, du lịch, dịch vụ logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước là định hướng phù hợp. Tuy nhiên, phương án phát triển các lĩnh vực này cần có dấu ấn, đột phá hơn nữa so với tình hình phát triển hiện tại.
Cơ cấu định hướng không gian đến năm 2050 trong Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Cơ cấu định hướng không gian đến năm 2050 trong Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Cần dấu ấn trong phát triển các lĩnh vực

Sáng 13/4, tại Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TS. Hoàng Ngọc Phong - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quá trình xây dựng Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long đã thể hiện được việc tích hợp, tính thị trường và tính không gian, thể hiện sự thống nhất, đồng bộ về ý tưởng với các quy hoạch ngành quốc gia cũng như sự phối hợp, gắn kết các ý tưởng phát triển và khai thác nguồn lực với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

TS. Hoàng Ngọc Phong phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung

TS. Hoàng Ngọc Phong phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung

Nhận xét trực tiếp đối với phương hướng phát triển các ngành quan trọng, chuyên gia này nêu quan điểm, Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long đã đưa ra 4 ngành quan trọng gồm: nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và thương mại - logistics với các luận cứ được lựa chọn, tuy nhiên, cần bổ sung thêm các tiêu chí cho việc đưa ra các luận cứ đó. Tuy nhiên, nội dung này còn thiếu các chỉ tiêu mang tính tích hợp về tác động cũng như đóng góp của ngành quan trọng đến nền kinh tế Tỉnh. Tính chất dẫn dắt, lan tỏa của ngành quan trọng đối với các ngành khác trong kinh tế Tỉnh chưa nổi rõ”, chuyên gia Hoàng Ngọc Long phân tích.

Đơn cử, phương án quy hoạch phát triển nông, lâm, thủy sản chưa có dấu ấn mang tính đột phá khác biệt so với tình hình phát triển hiện tại cả về tính chất, trình độ, phương thức tổ chức sản xuất và tốc độ tăng trưởng. "Tầm nhìn và mục tiêu tổng quát viết giống như phương hướng, giải pháp; mục tiêu cụ thể chưa thấy sự thay đổi về trình độ và phương thức tổ chức sản xuất kinh doanh theo tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp", chuyên gia Hoàng Ngọc Long nhận xét.

Công nghiệp được xác định là ngành quan trọng và việc lựa chọn các ngành phát triển công nghiệp chế biến - chế tạo là phù hợp. Song, theo ông Long, việc xác định các sản phẩm công nghiệp ưu tiên cho giai đoạn tới sẽ là tốt hơn nếu dự kiến được cơ cấu giá trị sản xuất (thể hiện mức độ ưu tiên) của các nhóm sản phẩm này trong tương lai sẽ ra sao, việc hình thành nên các chuỗi giá trị (cụm liên kết ngành) thế nào (liên kết nội, ngoại tỉnh và liên kết giữa các ngành: công nghiệp, nông nghiệp…)...

"Các giải pháp về quy hoạch các khu/cụm công nghiệp phải đề xuất được như phân bố ở đâu, quy mô và định hướng thu hút các ngành gì trong mỗi khu/cụm để tạo khả năng gắn kết hình thành các chuỗi cung ứng; phải có các cơ chế phối hợp như thế nào với các địa phương khác trong vùng và các cơ chế chính sách cần có để thu hút các nhà đầu tư vào phát triển các khu công nghiệp", ông Long cho hay.

PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung

PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung

Đặc biệt quan tâm tới việc phát triển không gian để giải quyết những vấn đề hiện nay Tỉnh còn đang vướng mắc trong phát triển, PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam đề xuất, phát triển không gian cần tính tới vấn đề liên kết vùng, trong đó, tận dụng sông Tiền và sông Hậu là 2 dải phát triển.

"Nên phát triển theo hướng hướng ra mặt tiền sông Tiền, phía Nam tạo ra đô thị trục dọc từ thị xã Bình Minh (trong tương lai) để đối trọng với thành phố Cần Thơ và phát triển 1 dải nữa sông Hậu. 2 dải bắt tay nhau tạo thành 2 vùng phát triển của Tỉnh. Ở giữa là vùng trũng sẽ chủ yếu là vùng phát triển xanh, nông nghiệp thủy hải sản. Cần phải tính toán kỹ vấn đề địa chính trị, kinh tế trong bố trí không gian phát triển của Tỉnh", PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh nhận xét.

Nhất trí thông qua quy hoạch với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện

Sau khi lắng nghe các ý kiến nhận xét của các thành viên Hội đồng thẩm định, Ủy ban Phản biện và ý kiến phát biểu tiếp thu, giải trình của Bí thư tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm để tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, Hội đồng Thẩm định đánh giá, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện khá nghiêm túc quy trình lập Quy hoạch Tỉnh và nội dung Quy hoạch đã thể hiện cơ bản rõ nét về sự phát vọng phát triển của Tỉnh; thể hiện được sự liên kết và đồng bộ trong định hướng phát triển kết cấu hạ tầng; việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở đó, Hội đồng Thẩm định đã nhất trí thông qua Quy hoạch với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện.

Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Trần Quốc Phương phát biểu kết luận. Ảnh: Đức Trung

Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Trần Quốc Phương phát biểu kết luận. Ảnh: Đức Trung

Đồng thời, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Trần Quốc Phương đề nghị, UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Hồ sơ quy hoạch theo ý kiến tham gia thẩm định của các bộ, cơ quan ngang bộ, ý kiến các chuyên gia phản biện, ý kiến của các cơ quan tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và kết luận của Hội đồng Thẩm định tại Báo cáo thẩm định; tập trung làm rõ và giải trình một số nội dung để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch.

Trong đó, làm rõ các tồn tại, hạn chế, các “điểm nghẽn” về điều kiện tự nhiên; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tổ chức sắp xếp không gian phát triển, phân vùng chức năng và sử dụng đất; phát triển kết cấu hạ tầng; bảo vệ nguồn nước ngọt, môi trường, biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; đồng thời, đề nghị bổ sung các kết luận rút ra từ phân tích SWOT làm cơ sở đề xuất các phương án phát triển cho phù hợp.

Bổ sung luận chứng, làm rõ về tính khả thi của kịch bản phát triển được lựa chọn, trong đó cần xác định rõ các động lực, đột phá của tăng trưởng, đóng góp của từng ngành, lĩnh vực vào tăng trưởng chung của Tỉnh.

Chỉnh sửa, bổ sung làm rõ một số nội dung: Quan điểm phát triển; cơ sở lựa chọn kịch bản phát triển; rà soát, điều chỉnh bổ sung một số mục tiêu, chỉ tiêu để đảm bảo tính khả thi; lựa chọn và sắp xếp các ngành, lĩnh vực quan trọng của Tỉnh; danh mục dự án và thứ tự ưu tiên…

Chuyên đề