Quy hoạch tỉnh Quảng Trị: Đầu tư tập trung để phát triển, tạo hiệu ứng lan tỏa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nằm “kẹt” giữa Thừa Thiên Huế, Quảng Bình - những địa phương có rất nhiều lợi thế phát triển, Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần có cách tiếp cận riêng, tạo dựng được những hướng đi khác biệt, phát triển du lịch theo hướng riêng có gắn với văn hóa tâm linh từ các di tích lịch sử cách mạng; phát triển mở rộng khu vực Đông Hà theo hướng mở trục động lực ven biển, bám theo hành lang kinh tế Đông - Tây, từ đó phát triển lan tỏa ra các vùng khác.

Đây là một trong những gợi ý được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đưa ra tại Phiên họp Thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức sáng ngày 11/8.

Thắt lưng buộc bụng, đầu tư khôn ngoan để thu hút nguồn lực

Quảng Trị thuộc vùng Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Tây giáp nước CHDCND Lào và phía Đông giáp biển Đông. Tỉnh có vị trí thuận lợi vừa nằm trên tuyến hành lang kinh tế Bắc - Nam, đồng thời nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, nối với Lào - Thái Lan - Myanmar qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo; là cửa ngõ ra biển Đông của các nước trong khu vực và giữ vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Phiên họp thẩm định (Ảnh: Đức Trung)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Phiên họp thẩm định (Ảnh: Đức Trung)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Quảng Trị nằm ở thế “kẹt” giữa các địa phương có rất nhiều lợi thế phát triển (Thừa Thiên Huế, Quảng Bình) nên cần phải tạo được lối đi riêng, điểm nhấn, khác biệt để địa phương có thể phát triển bứt phá hơn trong thời gian tới.

Bộ trưởng ủng hộ định hướng phát triển khu kinh tế biển phía Đông Nam, tập trung phát triển, mở rộng TP. Đông Hà hướng ra biển, từ đó hình thành, lôi kéo phát triển các khu hành chính, dịch vụ, hạ tầng tại khu vực này. Từ việc định hướng phát triển trục chạy hướng biển, sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa trong phát triển kinh tế tại địa phương. “Quảng Trị phải lựa chọn đầu tư khôn ngoan, có thể sẽ phải thắt lưng buộc bụng trong giai đoạn đầu, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, khi phát triển những vùng trọng điểm sẽ lan tỏa được phát triển ra những vùng khác”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Quảng Trị cũng có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, và cần tạo điểm khác biệt cạnh tranh trong du lịch của Quảng Trị với các địa phương lân cận. Có thể nghiên cứu phát triển du lịch dựa vào các lợi thế tâm linh, di tích lịch sử cách mạng không nơi nào có được như biến các nghĩa trang liệt sỹ cách mạng thành các địa điểm du lịch, liên kết phát triển du lịch với Quảng Bình và Thừa Thiên Huế để tạo nên sức hấp dẫn và cạnh tranh của điểm đến di sản văn hóa đặc biệt.

Tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có đề cập tới xây dựng sân bay tại Gio Linh và cảng biển tại Mỹ Thủy, theo Bộ trưởng, cần phải gắn kết được việc phát triển sân bay, cảng biển với phát triển du lịch, thu hút đầu tư dự án hiệu quả. Phải đồng bộ, cùng lúc trong phát triển các yếu tố này, vì xây dựng sân bay mà không phát triển du lịch, không thu hút được dự án thì không đảm bảo hiệu quả đầu tư và ngược lại.

Trở thành trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng

Tại Phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng nhấn mạnh, địa phương xác định Quy hoạch là bước đầu tiên trong việc huy động nguồn lực, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, cần những bước quan trọng tiếp theo trong triển khai tổ chức thực hiện. Việc xây dựng Quy hoạch đã đòi hỏi nỗ lực bao nhiêu thì việc triển khai thực hiện thành công Quy hoạch cũng khó khăn bấy nhiêu. Làm thế nào để biến những định hướng và giải pháp trở thành hiện thực trong thời gian sớm nhất là trăn trở của lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân tỉnh Quảng Trị.

Trên cơ sở kế thừa, phát huy các định hướng, chiến lược, tỉnh Quảng Trị đưa ra mục tiêu phát triển tổng quát đến năm 2030 phát triển hài hòa giữa bốn mục tiêu: kinh tế - môi trường - an ninh quốc phòng - hợp tác khu vực, quốc tế.

Đến năm 2030, Quảng Trị cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ. Một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp (kinh tế công nghiệp - dịch vụ, kinh tế biển, kinh tế năng lượng sạch và năng lượng tái tạo) của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Tập trung khai thác các lợi thế của Tỉnh trên tuyến hành lang hạ tầng theo hướng Bắc - Nam, hành lang Đông - Tây và khai thác hợp lý dải không gian ven biển. Trong giai đoạn 2021 - 2030, tập trung quy hoạch và đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu Lao Bảo - Đensavan, hai hành lang Lao Bảo - Đông Hà và La Lay - Mỹ Thuỷ để phát triển dịch vụ logistics và trở thành trung tâm hậu cần, trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mêkong (GMS).

Ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào tất cả các ngành, lĩnh vực để nhanh chóng số hóa nền kinh tế cũng như rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Tỉnh, hướng tới mục tiêu cao nhất và cuối cùng là cải thiện và nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân. Hoàn thành về cơ bản việc đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, khai thác phát huy hiệu quả thương hiệu du lịch của Tỉnh, tạo bước phát triển đột phá cho giai đoạn tiếp theo.

5 ngành trọng điểm, 4 hành lang kinh tế động lực

Sơ đồ phân vùng phát triển kinh tế - xã hội

Sơ đồ phân vùng phát triển kinh tế - xã hội

Để thực hiện mục tiêu, Quảng Trị lựa chọn 5 ngành trọng điểm phát triển. Trong đó, ngành năng lượng phát triển các cơ sở điện khí và công nghiệp khí tại Khu kinh tế Đông Nam và các nguồn năng lượng tái tạo tại các khu vực có lợi thế về điều kiện tự nhiên gắn với xây dựng hệ thống truyền tải đồng bộ. Ngành du lịch sẽ ưu tiên phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, sinh thái rừng gắn với du lịch tâm linh, du lịch văn hóa - lịch sử. Phát triển dịch vụ logistics với việc tập trung tại Khu kinh tế Đông Nam, các cửa khẩu Lao Bảo, La Lay, TP. Đông Hà, huyện Cam Lộ trên cơ sở hoàn thành cảng Mỹ Thủy, sân bay và các tuyến đường Đông - Tây, cao tốc Bắc - Nam. Phát triển công nghiệp chế biến, tập trung vào công nghiệp silicat, chế biến gỗ, thủy sản, nông sản...

Không gian phát triển của địa phương dựa trên 4 hành lang kinh tế động lực. Trong đó, hành lang ven biển kết nối các khu công nghiệp khí, khu công nghiệp đa ngành khai thác lợi thế của cảng, các trung tâm đô thị - du lịch sinh thái... Hành lang trung tâm có phạm vi từ hai bên Quốc lộ 1 đến hai bên đường bộ cao tốc, kết nối các khu cụm công nghiệp chủ yếu, các khu đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và hệ thống đô thị trung tâm gồm TP. Đông Hà, thị xã Quảng Trị, các thị trấn Hải Lăng, Hồ Xá, Ái Tử và Gio Linh.

Hành lang Đông - Tây gồm hai tuyến Đông Hà - Lao Bảo và Mỹ Thủy - La Lay, kết nối các cơ sở thương mại cửa khẩu, logistics, du lịch sinh thái và hệ thống đô thị dọc theo Quốc lộ 9 và Quốc lộ 15D.

Hành lang kinh tế biên giới phát triển trên cơ sở đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, kết nối khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, cửa khẩu quốc tế La Lay với các đô thị biên giới.

Phát biểu kết luận tại Phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện nghiêm túc, tuân thủ đúng quy trình. Nội dung hồ sơ quy hoạch trình thẩm định phù hợp với định hướng phát triển đất nước của Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc khóa XIII của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030; các quy hoạch cấp quốc gia đã được quyết định, phê duyệt và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Để sớm hoàn thiện Quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị bổ sung, làm rõ thêm quan điểm phát triển "đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiệu quả, lấy trọng tâm là tăng tỷ lệ ngành dịch vụ, gắn với phát triển kinh tế biển, kinh tế tuần hoàn, cacbon thấp và năng lượng tái tạo"; bổ sung và làm rõ nội dung về liên kết phát triển du lịch...

Trên cơ sở biểu quyết của các thành viên Hội đồng, Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh thống nhất thông qua với điều kiện có chỉnh sửa, hoàn thiện.

Chuyên đề