Quy hoạch tỉnh Kiên Giang: Trở thành điểm đến hấp dẫn nhất vùng ĐBSCL

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, Kiên Giang chính thức trình Hội đồng thẩm định dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong phiên họp chiều ngày 24/3/2023 tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì Hội nghị thẩm định dự thảo Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì Hội nghị thẩm định dự thảo Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung

Tiếp tục phát huy hiệu quả các lợi thế

Phát biểu tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, Kiên Giang là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Với bờ biển dài trên 200 km, vùng biển rộng hơn 63.000 km2, có 5 quần đảo với hơn 143 đảo nổi lớn nhỏ, trong đó đảo lớn nhất là Phú Quốc - thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, có 2 cửa khẩu, 2 sân bay. Bên cạnh đó, Kiên Giang là một trong số ít địa phương có điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, vừa có đồng bằng, rừng nguyên sinh, đồi núi, biển đảo; nơi giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc; có lợi thế, tiềm năng phát triển cả nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Thời kỳ 2011-2020, kinh tế Kiên Giang tăng trưởng ổn định và quy mô kinh tế ở mức khá so với cả nước và vùng ĐBSCL. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Kiên Giang có xu hướng tăng đều qua các năm. Cụ thể, GRDP tăng từ 34.318 tỷ đồng vào năm 2010 lên 96.818 tỷ đồng vào năm 2020, tốc độ tăng trưởng hàng năm trong thời kỳ 2011-2020 đạt 7,2%/năm. Với quy mô kinh tế năm 2020, Kiên Giang đứng thứ 3/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL (sau Long An và Tiền Giang), chiếm 9,9% GRDP toàn vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 56,0 triệu đồng, xếp thứ 6/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, bằng 87% cả nước. Mức tăng trưởng khả quan vào năm 2020 cho thấy kinh tế Kiên Giang vẫn tăng trưởng ổn định trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đánh giá, Kiên Giang là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, có vị trí chiến lược quan trọng về KT - XH quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Ảnh: Đức Trung

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đánh giá, Kiên Giang là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, có vị trí chiến lược quan trọng về KT - XH quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Ảnh: Đức Trung

Về cơ cấu ngành kinh tế, Kiên Giang có 4 ngành có quy mô tương đối lớn và đồng thời có tốc độ tăng trưởng cao, đó là: Hoạt động kinh doanh bất động sản (10,7%); Vận tải kho bãi (11,1%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (14,9%); và Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (16,7%). Có thể thấy, hoạt động kinh doanh dịch vụ đang giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế tỉnh Kiên Giang.

Nhiều thế mạnh, song Kiên Giang hiện đang đối mặt với không ít thách thức cần phải giải quyết như: Hạ tầng liên kết vùng còn kém gây khó khăn cho lưu thông hàng hoá và kết nối với các tuyến giao thông quốc gia; PCI liên tục giảm, PAPI thấp dẫn tới khó thu hút nguồn vốn xã hội; thiếu nhân lực trình độ cao; Công nghiệp chưa chú trọng chất lượng, du lịch chưa xứng với tiềm năng.

“Như vậy, việc nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ góp phần phát huy hiệu quả các lợi thế của tỉnh, phát triển tỉnh Kiên Giang trở thành một trung tâm kinh tế biển của quốc gia, phát triển Phú Quốc trở thành một trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Về quá trình lập Quy hoạch, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao sự nỗ lực, tập trung xây dựng, tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến tham gia thẩm định của các bộ, cơ quan ngang bộ, chuyên gia để bản dự thảo Quy hoạch được hoàn thiện. Đây cũng là cách tiệm cận với cách làm “đúng dần”, tạo điều kiện cho Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định sớm có bản dự thảo Báo cáo thẩm định để xin ý kiến Hội đồng thẩm định tại phiên họp hôm nay. Trên cơ sở đó rút ngắn được thời gian, thủ tục nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng để giúp cho tỉnh Kiên Giang sớm trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

Phát triển theo hướng giá trị và bền vững

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết, dự thảo quy hoạch tỉnh Kiên Giang đã xây dựng 3 kịch bản phát triển. Thứ nhất là hướng phát triển ổn định và không có sự đột phá, đây là phương án tăng trưởng thấp trong điều kiện bất lợi, Kiên Giang không phát huy được tất cả các tiềm năng. Thứ hai, là phát triển giá trị và bền vững, là phương án tăng trong điều kiện bình thường, Kiên Giang trở thành điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp và lao động, là trung tâm kinh tế biển hàng đầu khu vực. Với phương án thứ ba, Kiên Giang sẽ phát triển theo hướng tận dụng tối đa những điều kiện thuận lợi tuyệt đối, đây là phương án tăng trưởng cao trong điều kiện thuận lợi nhất, đưa Kiên Giang trở thành nơi cung cấp chất lượng sống hàng đầu khu vực Tây Nam Bộ. Qua cân nhắc và đánh giá tổng thể các điều kiện, Tỉnh lựa chọn phát triển theo phương án 2 - giá trị và bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Trung

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Trung

“Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là công cụ quan trọng để Tỉnh hoạch định đường hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững”, ông Lê Quốc Anh nhấn mạnh.

Dự thảo Quy hoạch tỉnh xác định, mục tiêu đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng Tây Nam bộ; có hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội và môi trường đầu tư vượt trội để thu hút nhà đầu tư hàng đầu về du lịch và dịch vụ, bất động sản và công nghệ; trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trong vùng ĐBSCL đối với du khách. Kiên Giang là trung tâm kinh tế biển của Quốc gia; trong đó có: Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế; Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh; Hà Tiên là đô thị di sản; Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc hình thành tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại dịch vụ hướng biển.

Tầm nhìn đến năm 2050, Kiên Giang trở thành nơi cung cấp chất lượng sống cao ở khu vực Tây Nam Bộ, là điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp và lao động trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ, là trung tâm du lịch sinh thái biển đảo hàng đầu tập trung ở các trung tâm hành chính ven biển và các đảo. Người dân sống tại Kiên Giang có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, môi trường giáo dục đào tạo nhân văn, môi trường sống xanh và an toàn. Hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị phát triển hiện đại, thông minh, kết nối với các trung tâm kinh tế trong vùng.

Quy hoạch tỉnh cũng xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm và 4 đột phá phát triển, gồm: (1) Thúc đẩy sự sáng tạo, nâng cao hiệu quả quản trị của địa phương; (2) Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; (3) Tập trung vào cải thiện chất lượng tăng trưởng, phù hợp với xu thế chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh, giá trị gia tăng tạo ra trên vốn đầu tư, năng suất của lao động, tri thức, công nghệ; (4) Kết nối các không gian phát triển, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; (5) Hỗ trợ phát triển hoạt động ĐMST, tạo điều kiện để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp mới; (6) Khôi phục và bảo tồn di sản, phát triển giá trị văn hóa nhân văn của con người Kiên Giang; (7) Nâng cấp nhanh và thu hút đầu tư nhiều hơn vào hệ thống chăm sóc y tế, phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giữ chân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; (8) Đảm bảo sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu theo tinh thần “thuận thiên”. Giải quyết nhanh chóng xử lý ô nhiễm, rác thải do sản xuất và hoạt động sinh hoạt, đặc biệt ở các đảo và các đô thị trung tâm.

Trong số 4 đột phá, đột phá thứ nhất của Kiên Giang là hình thành khu kinh tế biển phía Tây, phát triển kinh tế đất liền hướng biển. Khu kinh tế biển này sẽ là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm phát triển là du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp ven biển, nuôi trồng và khai thác hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; khu vực phát triển đô thị dịch vụ, du lịch, công nghiệp thông minh bền vững gắn với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại; cực tăng trưởng đối trọng của tỉnh Kiên Giang và khu vực Tây Nam Bộ, liên kết chặt chẽ và toàn diện với sự phát triển chung của thành phố Rạch Giá và vùng phụ cận; và là cửa ngõ giao thương quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL với các nước tiểu vùng sông Mê Kông.

Đột phá thứ hai là phát triển Phú Quốc theo cơ chế đặc thù. Đó là: (1) chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng nhằm tăng tính kết nối; (2) quản lý và phát triển nguồn nhân lực; (3) các ưu đãi liên quan đến tài chính như ưu đãi thuế, chính sách tài chính tiền tệ, tiền lương, hàng hóa xuất nhập khẩu, ưu đãi đất đai và xúc tiến đầu tư; (4) phát triển lĩnh vực văn hóa xã hội; (5) bảo đảm an ninh quốc phòng; (6) đầu tư và hợp tác quốc tế.

Đột phá thứ ba là chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao trong các hoạt động kinh tế của tỉnh và xây dựng chính phủ số.

Đột phá thứ tư là lấn biển theo định hướng sáng tạo. Các địa phương lấn biển bao gồm: TP. Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Lương, Phú Quốc, Kiên Hải. Trong đó, lấn biển và xây dựng các đảo nhân tạo ở Hà Tiên sẽ đáp ứng tiêu chuẩn để Hà tiên đạt chuẩn đô thị loại II. Tuy nhiên, việc lấn biển cần phải cẩn trọng đến các vấn đề về môi trường, tránh để lại hậu quả cho hệ sinh thái ven bờ, chất lượng nguồn nước, và hoạt động kinh tế biển của Kiên Giang.

Tại phiên họp chiều ngày 24/3/2023, Hội đồng Thẩm định đã tiến hành bỏ phiếu thông qua Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kết quả 100% thành viên Hội đồng nhất trí thông qua với điều kiện sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng.

Chuyên đề