Quy hoạch tỉnh Hải Dương: Cần khơi thông nguồn lực để tăng tốc nhanh hơn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hải Dương là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên các hành lang kinh tế, giao thông phát triển đồng bộ, nhưng Tỉnh vẫn chưa có được sự bứt phá trong phát triển kinh tế. Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần tìm ra các điểm nghẽn, cản trở tới phát triển của Tỉnh trong thời gian qua, từ đó làm sao khơi thông, giải phóng các nguồn lực để có thể tăng tốc nhanh trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh yêu cầu này tại Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra chiều ngày 20/6/2023.

Tạo cú hích cho phát triển giai đoạn tới

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Nhấn mạnh tại Phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và địa phương nói riêng, giúp chúng ta có con đường đi, định hướng cho phát triển với tư duy mới, tầm nhìn mới, cách tiếp cận mới, không gian mới, tạo động lực mới cho phát triển. Quy hoạch phải khai thác được hết các tiềm năng, giúp phát triển nhanh nhưng quy hoạch cũng phải thực hiện được, tính thực tiễn cao.

Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản quy hoạch tỉnh thứ 42 được trình Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh. Bộ trưởng thông tin thêm, công tác lập quy hoạch đang được triển khai với tốc độ nhanh hơn; phấn đấu trong năm nay phải hoàn thành xong tất cả các quy hoạch tỉnh, thành phố.

Đánh giá về quá trình phát triển của tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng cho biết, thời gian vừa qua, Tỉnh đã đạt được nhiều kết quả phát triển tích cực, nằm ở vị trí thuận lợi trên các hành lang kinh tế phát triển, có giao thông đồng bộ đi qua. Tuy nhiên, tỉnh Hải Dương vẫn chưa phát triển khi thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp; là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế đứng thứ 8/11 tỉnh của vùng Đồng bằng sông Hồng; thu ngân sách không bền vững; thu hút đầu tư thấp.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu, Quy hoạch tỉnh Hải Dương phải chỉ rõ được điểm nghẽn ở đâu, cản trở lớn nhất là gì, cần tranh thủ sắp xếp lại không gian phát triển để làm sao khơi thông, giải phóng các nguồn lực để có thể tăng tốc được nhanh; có thể tạo động lực mới để bứt phá trong phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ủng hộ quan điểm phát triển khu kinh tế tại Hải Dương đã được nhấn mạnh trong Dự thảo Quy hoạch Tỉnh, bởi đây là địa phương không có lợi thế giáp biển, không có cảng, không có sân bay. Theo Bộ trưởng, các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn đang tích cực khảo sát, tìm hướng đầu tư tại Việt Nam thông qua việc đầu tư vào các khu kinh tế… Đây là cơ hội quý để Tỉnh sắp xếp lại không gian phát triển, có chính sách tốt để thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này.

Cần 582 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư

Tại Phiên họp, ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, Hải Dương xác định rõ Quy hoạch Tỉnh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là một trong số các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và là sản phẩm chung của cả nước, làm tốt Quy hoạch Tỉnh sẽ góp phần vào sự phát triển chung của Vùng và khu vực.

Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại Phiên họp

Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại Phiên họp

Với cách tiếp cận mới, biện chứng, khoa học và sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong công tác lập quy hoạch đã đánh giá đầy đủ, khách quan hiện trạng phát triển của Tỉnh; làm rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; từ đó xây dựng tầm nhìn, định hướng, mục tiêu, đưa ra các phương án phát triển và các giải pháp để tổ chức thực hiện.

Theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tỉnh định hướng sẽ trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, văn minh, phát triển bền vững và giàu bản sắc văn hóa xứ Đông. Trong đó, đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, có hạ tầng kinh tế - xã hội khá đồng bộ; tiếp tục chuyển dịch kinh tế sang công nghiệp - dịch vụ, chủ trương ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến. Tăng GRDP thực tế quân đầu người ở mức cao hơn cả nước. Tới năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong nhóm tỉnh dẫn đầu cả nước; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; là trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, Tỉnh đạt một số tiêu chí cơ bản để Hải Dương trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương.

Một số mục tiêu cụ thể trong phát triển kinh tế được Dự thảo Quy hoạch Tỉnh nêu rõ, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 - 2025 là 9%; giai đoạn 2026 - 2030 là 10,1% và xuyên suốt giai đoạn 2021 - 2030 là 9,5%/năm.

Trong cơ cấu nền kinh tế, tỷ trọng nông nghiệp - công nghiệp xây dựng - dịch vụ - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm sẽ đạt lần lượt là 7,6% - 56,2% - 29,0% - 7,2% tính đến năm 2025 và sẽ đạt tương ứng 5,1% - 58,5% - 30,7% - 5,7% tính đến năm 2030.

Mức GRDP bình quân đầu người của tỉnh Hải Dương theo giá hiện hành sẽ đạt khoảng 100 triệu đồng (tương ứng khoảng 4.247 USD) vào năm 2025 và đạt 180 triệu đồng năm 2030 (tương ứng với khoảng 6.887 USD).

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, việc huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ Quy hoạch khoảng 582 nghìn tỷ đồng.

4 trục phát triển, 5 cực tăng trưởng và 5 vùng phát triển

Cấu trúc phát triển không gian tỉnh Hải Dương

Cấu trúc phát triển không gian tỉnh Hải Dương

Không gian phát triển tỉnh Hải Dương trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ theo 4 trục phát triển, 5 cực tăng trưởng và 5 vùng phát triển.

Trong đó, Trục phát triển Bắc - Nam theo tuyến Quốc lộ 37, Quốc lộ 38, là trục kết nối 2 đô thị lớn của Tỉnh là TP. Hải Dương và TP. Chí Linh và các thị trấn trung tâm huyện nằm trên trục, có tuyến đường VĐ5 vùng thủ đô, sẽ tăng cường kết nối các đô thị trong Tỉnh và với các đô thị trong vùng Thủ đô, hình thành nên trục phát triển mới cho Tỉnh.

Trục phát triển Đông - Tây trung tâm Tỉnh dọc theo cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 5, đi qua TP. Hải Dương. Đây là trục phát triển mạnh mẽ trước mắt cũng như lâu dài, đi qua đô thị trung tâm tỉnh, đã có nhiều khu công nghiệp được xây dựng dọc theo tuyến Quốc lộ 5 và một số dự án khu công nghiệp đã được xác định.

Trục phát triển theo hướng Đông Tây đi qua khu vực phía Bắc của Tỉnh đi qua đô thị lớn thứ 2 là TP. Chí Linh, với Quốc lộ 18 hiện đang kết nối với khu vực sân bay Nội Bài, TP. Bắc Ninh, các đô thị của Quảng Ninh đến cửa khẩu Móng Cái. Tuyến đường cao tốc mới Nội Bài - Hạ Long đã được định hướng xây dựng đến năm 2030 sẽ tăng cường hơn nữa giao lưu kinh tế trong khu vực, phát huy tuyến du lịch kết nối các trung tâm du lịch lớn như vùng núi Tây Bắc, thủ đô Hà Nội, Quảng Ninh, qua đó phát triển hơn nữa hoạt động du lịch của TP. Chí Linh.

Trục phát triển kinh tế dọc các tuyến sông với trọng điểm là trục dọc sông Thái Bình. Phát triển không gian đô thị gắn kết với không gian sông, hài hoà với thiên nhiên và phòng chống thiên tai. Phát huy vận tải thuỷ để thu hút và phát triển công nghiệp. Là không gian phát triển nông nghiệp và du lịch.

5 cực tăng trưởng chính được nêu ra trong Quy hoạch Tỉnh gồm: 1 đô thị trung tâm là TP. Hải Dương; 4 đô thị động lực (TP. Chí Linh, thị xã Kinh Môn, Bình Giang, Thanh Miện). Ngoài ra có 5 đô thị vệ tinh là thị trấn Gia Lộc, thị trấn Nam Sách, thị trấn Lai Cách, thị trấn Thanh Hà, thị trấn Tứ Kỳ và 2 đô thị chức năng chuyên biệt là thị trấn Ninh Giang và thị trấn Phú Thái.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư