Quy hoạch tỉnh Bình Dương: Tiên phong trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều 11/3, Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã tổ chức Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo nhiều ý kiến của Hội đồng, để đạt tầm vóc mới trong mục tiêu và khát vọng phát triển, Bình Dương cần trở thành điểm sáng về công nghệ sáng tạo, công nghệ cao, tham gia sâu rộng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu; cần xác định rõ vị thế, vai trò của Bình Dương trong mối tương quan, liên kết phát triển.

Mở rộng không gian phát triển để tạo ra động lực mới, giá trị mới

Từ một tỉnh với cơ cấu kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, sau hơn một phần tư thế kỷ tái lập tỉnh, Bình Dương đã có những bước chuyển trên nhiều lĩnh vực, trở thành tỉnh công nghiệp thuộc hàng đầu trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Từ năm 2019 đến nay, quy mô kinh tế Bình Dương chính thức vươn lên vị trí thứ 3 cả nước, chỉ đứng sau 2 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội và TP.HCM; GRDP bình quân đầu người của Tỉnh năm 2023 đạt 172 triệu đồng, cao gấp 1,7 lần bình quân chung của cả nước; đóng góp 25% kim ngạch xuất khẩu của Vùng và chiếm 10% của cả nước... Tỷ lệ đô thị hóa của Bình Dương thuộc Top đầu cả nước, đạt 85% và là 1 trong 2 địa phương dẫn đầu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Đức Trung

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Đức Trung

Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, bên cạnh những lợi thế, kết quả đạt được, tỉnh Bình Dương vẫn còn một số khó khăn, thách thức và “điểm nghẽn” cần giải quyết. Trước hết là bẫy thu nhập trung bình, cơ cấu kinh tế dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp; sản xuất còn thâm dụng lao động. Cùng với đó là các thách thức về mô hình tổ chức không gian lãnh thổ, sự quá tải của hạ tầng giao thông; việc phát triển đô thị và hạ tầng quá tải ở khu vực phía Nam, kém hấp dẫn ở phía Bắc; cạnh tranh nội Vùng và trong nước ngày một gay gắt; sự biến động quốc tế khó lường…

Do vậy, muốn phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Bình Dương cần xác định rõ những tiềm năng và lợi thế riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội; đặc biệt trong bản quy hoạch lần này cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng; phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý, kịch bản phát triển xác định trong Quy hoạch cần phải đáp ứng được mục tiêu và khát vọng của Tỉnh là “vượt bẫy thu nhập trung bình” và đưa Bình Dương lên tầm vóc mới trong mối tương quan vùng, quốc gia và quốc tế. Để đạt được khát vọng trên, Bình Dương cần trở thành điểm sáng về công nghệ sáng tạo, công nghệ cao, tham gia sâu rộng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu; cần xác định rõ vị thế, vai trò của Bình Dương trong mối tương quan, liên kết phát triển với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Về tổ chức không gian phát triển, các hoạt động kinh tế của Tỉnh hiện nay tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam (TP. Thuận An, Dĩ An), đây là các đô thị cũ, quy mô hẹp; do vậy, rất cần mở rộng không gian phát triển để tạo ra động lực mới, giá trị mới. Quy hoạch định hướng dịch chuyển dần các hoạt động kinh tế lên phía Bắc của Tỉnh, do vậy, cần làm rõ phương án và lộ trình phát triển hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông kết nối nội Tỉnh, giao thông kết nối với Bình Phước và Tây Ninh - vì đây là khu vực phát triển của vành đai công nghiệp, gắn với đường Vành đai 4, đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, đường xuyên Á qua cửa khẩu Mộc Bài.

Phát triển theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhấn mạnh, Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được nghiên cứu khoa học, chiến lược và thực tiễn, hướng tới mục tiêu đưa Tỉnh sớm vượt qua các thách thức của bẫy thu nhập trung bình, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, kết hợp với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm động lực phát triển kinh tế của quốc gia, vươn tầm quốc tế.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

Theo Quy hoạch, đến năm 2030, Bình Dương phát triển theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, là cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Bình Dương đi tiên phong trong chuyển đổi mô hình phát triển, hướng tới các ngành công nghiệp hiện đại và dịch vụ chất lượng cao dựa trên hạt nhân là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh. Việc tổ chức phát triển bảo đảm phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế và hiện trạng kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường; chú trọng an sinh và công bằng xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ.

Cụ thể, Bình Dương tiên phong trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với việc luôn dành nguồn lực cho nghiên cứu và ứng dụng thông qua các nghiên cứu lý luận bài bản, các nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng triển khai nhanh chóng vào thực tiễn phát triển kinh tế xã hội như: phát triển hạ tầng, phát triển đô thị công nghiệp, phát triển đô thị thông minh và phát triển xanh. Để chuyển đổi và tiếp tục phát triển đột phá trong giai đoạn tới cần tiếp tục dựa trên 4 trụ cột quan trọng là liên kết vùng, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và hành động đột phá sáng tạo để tạo nên các động lực phát triển thông qua xây dựng hệ sinh thái phát triển mới, tạo môi trường thuận lợi và hấp dẫn cho phát triển khoa học công nghệ, đầu tư, các hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt là điều kiện để thu hút các nhà đầu tư chiến lược dẫn dắt phát triển.

Để trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và quốc tế, Bình Dương tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kết nối, môi trường pháp lý, hạ tầng sản xuất, dịch vụ và sinh sống; đặc biệt là các cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế… để thu hút phát triển các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược đến Bình Dương đặt trụ sở, sản xuất, kinh doanh và phát triển. Thông qua hợp tác kết nối với các nước phát triển tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ, thực hiện cam kết với các nhà đầu tư chiến lược, các cộng đồng, Bình Dương chuẩn bị các điều kiện cần thiết phù hợp theo chuẩn mực quốc tế, điều kiện để các ngành lĩnh vực trọng điểm phát triển; đặc biệt là điều kiện sống để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, lao động chất lượng cao đến sinh sống và làm việc tại Bình Dương.

Với định hướng trở thành trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng và quốc gia, Bình Dương sẽ kết nối với các địa phương trong vùng TP.HCM thực hiện chiến lược vùng về hợp tác phát triển để tiếp tục là trung tâm động lực phát triển kinh tế quan trọng nhất cả nước. Trong đó, Bình Dương luôn đặt trách nhiệm phải phát triển cao, vượt trên mức trung bình của Vùng, đặc biệt là dẫn đầu về sản xuất công nghiệp, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, phát triển đô thị thông minh để chia sẻ các chức năng của Vùng, phát huy lợi thế của Bình Dương.

Chuyên đề