Quy hoạch điện VIII: Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều dự án nguồn điện cũng như lưới điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh chậm tiến độ khiến nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021 - 2024 càng trở nên căng thẳng. Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương xây dựng, dự kiến trình Chính phủ trong quý IV/2020 định hướng đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, ưu tiên khai thác các nguồn năng lượng tái tạo.
Thời gian qua, nhiều dự án điện năng lượng tái tạo được tư nhân đầu tư nhưng gặp khó khăn trong việc giải tỏa công suất do thiếu lưới truyền tải. Ảnh: Trung Thành
Thời gian qua, nhiều dự án điện năng lượng tái tạo được tư nhân đầu tư nhưng gặp khó khăn trong việc giải tỏa công suất do thiếu lưới truyền tải. Ảnh: Trung Thành

Nguy cơ thiếu điện

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, mục tiêu đảm bảo cung cấp điện trong ngắn hạn đang đặt ra nhiều thách thức. Các nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, thủy điện lớn đã khai thác gần hết, nguồn khí dần suy giảm, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn, nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch.

Báo cáo cập nhật của Bộ Công Thương về tiến độ các dự án điện trong Quy hoạch điện VII công bố đầu tháng 6 cho thấy, tiến độ nhiều dự án nguồn điện và lưới điện vẫn không có nhiều tiến triển. Trong 62 dự án nguồn điện có công suất lớn trên 200 MW, chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ.

Trong tổng số 24 dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện, đến nay mới có 9 dự án phát điện, 15 dự án đang ở bước đầu tư xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư (dự kiến 6 dự án đạt tiến độ, 9 dự án chậm tiến độ).

Riêng 8 dự án điện do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện đều gặp khó khăn, vướng mắc và không thể hoàn thành theo tiến độ trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Điển hình là Dự án Nhiệt điện Thái Bình II, Dự án Nhiệt điện Long Phú I…

Tương tự, triển vọng các dự án điện do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện cũng không mấy tươi sáng khi cả 4 dự án đều chậm tiến độ từ 2 năm trở lên…

Về lưới điện, nhiều dự án đang bị ảnh hưởng tiến độ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngay cả Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 - một dự án trọng điểm quốc gia được lãnh đạo Chính phủ rốt ráo chỉ đạo - thì khả năng về đích cuối năm 2020 cũng trở nên khó khăn khi đến thời điểm này vẫn “tắc” về đền bù giải phóng mặt bằng.

Do thiếu lưới truyền tải, nhiều dự án điện năng lượng tái tạo do tư nhân đầu tư đã hoàn thành song không thể giải tỏa được công suất, gây lãng phí rất lớn.

“Đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh cho thấy, việc thiếu hụt công suất nguồn điện liên tục tăng và nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021 - 2024 là hiện hữu”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. 

Đa dạng hóa nguồn cung

Để bảo đảm nguồn cung điện cho phát triển kinh tế cũng như an ninh năng lượng, thời gian qua, nhiều chính sách và cơ chế mới về khuyến khích và thu hút đầu tư phát triển các nguồn năng lượng mới đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đơn cử như Quyết định số 11 về giá điện mặt trời, hay Quyết định số 39 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió... đã tạo nên những động lực để thu hút đầu tư phát triển năng lượng.

Ông Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch điện VIII, trong đó bám sát nội dung Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự kiến, trong Quy hoạch điện VIII, nguồn phát điện sẽ theo hướng đa dạng hơn để đảm bảo an ninh cung cấp điện, cơ cấu và phân bổ hợp lý hơn trong từng khu vực, vùng/miền và trên toàn quốc. Nhiệt điện than được khai thác một cách hợp lý, tỷ trọng giảm dần; nguồn thủy điện được huy động tối đa; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo…

Về lưới điện, quy hoạch lưới điện đảm bảo hiện đại, đồng bộ với các phương án phát triển nguồn điện, linh hoạt hơn trong quản lý vận hành và có khả năng tích hợp quy mô lớn nguồn năng lượng tái tạo, khả năng truyền tải các nguồn điện gió xa bờ; định hướng phát triển lưới điện thông minh, lưới điện truyền tải siêu cao áp trên 500 kV, truyền tải một chiều... Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ đề xuất chính sách, giải pháp để huy động vốn đầu tư; chú trọng đến cơ chế xã hội hóa đầu tư phát triển điện lực; cơ chế đấu thầu, đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo; cơ chế để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án trong Quy hoạch.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho rằng, để phát triển bền vững, bên cạnh các nguồn năng lượng truyền thống, cần phải chuyển dần sang những nguồn năng lượng khác, trong đó có năng lượng tái tạo. Nếu không, ô nhiễm môi trường do sản xuất điện gây ra sẽ gây nguy hại rất lớn đối với phát triển. Hơn nữa, việc phát triển đa dạng nguồn năng lượng góp phần bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp trong việc cung ứng điện, tránh tình trạng doanh nghiệp sản xuất điện ra không bán được, trong khi thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Chuyên đề