Quy định mới về bảo hiểm trách nhiệm dân sự với bên thứ ba: Thêm chi phí, bớt rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bên cạnh bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường, từ ngày 1/7/2022, thay vì tự nguyện, nhà thầu thi công xây dựng sẽ phải mua bảo hiểm bắt buộc (BHBB) trách nhiệm dân sự (TNDS) đối với bên thứ ba. Khoản phí này có thể sẽ khiến nhà thầu thi công thêm chi phí, nhưng theo nhiều ý kiến, lợi ích mang lại sẽ lớn hơn.
Quy định mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba góp phần bảo đảm bù đắp cho nhà thầu thi công trong trường hợp phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ảnh: Nhã Chi
Quy định mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba góp phần bảo đảm bù đắp cho nhà thầu thi công trong trường hợp phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ảnh: Nhã Chi

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 20/2022/NĐ-CP (NĐ 20) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 quy định BHBB trong hoạt động xây dựng (NĐ 119). NĐ 20 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2022.

Điểm mới đáng chú ý của NĐ 20 là bổ sung quy định nhà thầu thi công xây dựng phải mua BHBB TNDS đối với bên thứ ba.

Theo Bộ Tài chính, bảo hiểm TNDS đối với bên thứ ba theo quy định tại Luật Xây dựng năm 2014 và Nghị định 119/2015/NĐ-CP không phải là loại hình BHBB và Bộ Tài chính không ban hành quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm mà giao cho các doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động triển khai. Do đó, trong quá trình triển khai, nhiều nhà thầu chưa chú trọng việc mua bảo hiểm TNDS đối với bên thứ ba. Trong khi đó, bảo hiểm này rất cần thiết vì hoạt động đầu tư, xây dựng có ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, sức khỏe và tính mạng của bên thứ ba trong quá trình thi công công trình.

Bộ Tài chính cho biết, Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 có hiệu lực từ 1/1/2021 đã bổ sung nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm TNDS đối với bên thứ ba. NĐ 20 sửa đổi, bổ sung NĐ 119 phù hợp với quy định mới của Luật Xây dựng số 62.

NĐ 20 quy định rõ số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với BHBB TNDS đối với bên thứ ba. Cụ thể:

Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là 100 triệu đồng cho một người trong một vụ và không giới hạn số vụ tổn thất.

Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) được xác định như sau: đối với công trình có giá trị dưới 1.000 tỷ đồng, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) là 10% giá trị công trình cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất. Đối với công trình có giá trị từ 1.000 tỷ đồng trở lên, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) là 100 tỷ đồng cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.

NĐ 20 quy định rõ thời hạn BHBB TNDS đối với bên thứ ba là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào hợp đồng xây dựng và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm. Phí bảo hiểm được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, trước đây không bắt buộc nhưng phần lớn chủ đầu tư vẫn yêu cầu nhà thầu mua bảo hiểm TNDS đối với bên thứ ba. Tuy nhiên, do không bắt buộc, không quy định mức phí tối thiểu, nên mức nhà thầu thi công mua rất thấp, chủ yếu để “cho có”. Mức này không đủ để chi trả khi có rủi ro xảy ra. NĐ 20 quy định mức phí tối thiểu sẽ tạo thuận lợi, minh bạch khi áp dụng.

Theo một số nhà thầu xây lắp, việc phải thực hiện quy định mua bảo hiểm TNDS đối với bên thứ ba theo mức phí quy định sẽ làm phát sinh chi phí, ảnh hưởng nhất định tới nguồn lực tài chính và kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhà thầu thi công xây dựng. Tuy nhiên, NĐ 20 đã có quy định chi phí mua bảo hiểm được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho nhà thầu chủ động trong công tác xây dựng dự toán, lập kế hoạch khi tham dự thầu. Quan trọng hơn nữa, về tổng thể việc mua bảo hiểm mang lại nhiều lợi ích thông qua việc góp phần bảo đảm bù đắp cho nhà thầu thi công trong trường hợp phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với bên thứ ba, giúp nhà thầu nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp bên thứ ba nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, nếu không mua bảo hiểm hoặc mua với mức phí rất thấp thì trong trường hợp phát sinh trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba trong thời gian xây dựng công trình, nhà thầu sẽ phải tự trang trải mọi chi phí bồi thường, trường hợp phát sinh chi phí lớn sẽ dẫn đến làm đứt gãy sản xuất, kinh doanh.

Chuyên đề