Quốc hội thảo luận về nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều ngày 6/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, và điều hành nội dung Phiên họp của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp

Phiên thảo luận tại hội trường có 22 đại biểu phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến về các vấn đề liên quan đến các nội dung như: Hội đồng Y khoa quốc gia; thời hạn của giấy phép hành nghề; cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh (KCB); dinh dưỡng trong KCB; nguồn ngân sách nhà nước cho công tác KCB; tự chủ đối với cơ sở KCB của Nhà nước; xã hội hóa trong hoạt động KCB; giá dịch vụ KCB...

Đa số ý kiến đều đánh giá Dự thảo Luật đã cơ bản hoàn chỉnh và đủ điều kiện thông qua tại kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại của ngành y tế.

Bên cạnh đó, một số đại biểu tiếp tục đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra Dự án Luật cần nghiên cứu để chỉnh lý, bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung.

Cụ thể, về nội dung phân cấp chuyên môn, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị, Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung 2 nguyên tắc nhằm đảm bảo tính kết nối giữa các cấp trong KCB, đảm bảo tính điều tiết, vận hành trong toàn hệ thống, gồm: nguyên tắc quy hoạch hệ thống y tế cơ sở theo 3 cấp chuyên môn phù hợp với địa bàn, theo vùng miền, từ đó phân bổ các cơ sở y tế hợp lý; nguyên tắc chuyển cấp chuyên môn kỹ thuật của người bệnh và tính giá dịch vụ giữa các cấp bảo đảm hài hòa về nguồn thu, giữa các tuyến và sự phát triển bền vững của hệ thống.

Liên quan đến giá dịch vụ KCB, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiến nghị, cần phân hai luồng giá viện phí, tiến tới xóa bỏ khái niệm đồng chi trả. Một là giá được Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) chi trả, đây là giá được quy định cụ thể cho từng chuyên khoa và cần có lộ trình để tính đúng, tính đủ để đảm bảo cân đối Quỹ và an sinh xã hội cho người dân tham gia BHYT. Hai là giá KCB theo yêu cầu.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, để tạo động lực để các bệnh viện thay đổi và phát triển, Bộ Y tế không nên quy định giá trần dịch vụ, mà cần tuân theo quy luật của thị trường. Thay vào đó, Bộ nên đưa ra các quy định để bảo đảm chất lượng KCB theo yêu cầu tại các cơ sở y tế như về trình độ nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian khám hay là các phẫu thuật can thiệp kỹ thuật đặc biệt. Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra, rà soát giá KCB bảo đảm tuân thủ tính công khai, minh bạch.

Cùng chung quan điểm với đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, khi chia sẻ bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên) - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, việc phân luồng giá viện phí như vậy sẽ tạo tính chủ động, linh hoạt cho các cơ sở y tế. Đồng thời, đại biểu này còn cho rằng, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định: cho phép các cơ sở KCB được huy động các nguồn lực xã hội công khai, minh bạch.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan thẩm tra giải trình về những nội dung mà các ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, đây là một dự án luật rất khó, liên quan đến lĩnh vực chuyên môn sâu, đối tượng rộng, tác động tới vấn đề quan trọng nhất của con người, của hơn 100 triệu dân và chịu tác động của các luật khác. Lấy con người làm trung tâm và đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đã cố gắng tiếp thu để chỉnh lý các điều luật với tinh thần cầu thị, tiếp thu tối đa để hoàn thiện, trình Quốc hội bấm nút thông qua.

Sau kỳ họp thứ 4, Dự thảo Luật còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trên cơ sở cầu thị, cơ quan soạn thảo và thẩm tra đã tổ chức lấy ý kiến của các bên liên quan, các đối tượng chịu sự tác động và các địa phương thông qua nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm… để tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật. Nội dung của Dự thảo Luật gồm có 12 Chương, 121 Điều, tăng 3 Chương (Chương VI, VII, XI) và 30 Điều so với Luật hiện hành.

“Sau gần 14 năm, kể từ thời điểm ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, đến nay, tiến trình hội nhập quốc tế và tiến bộ y học phát triển nhanh như vũ bão, có nhiều bất cập đối bộ luật mang tính xương sống của ngành y tế. Do vậy, cần phải tiếp thu, lắng nghe các ý kiến để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, hội nhập”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

“So với Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Dự thảo Luật không phát sinh vấn đề mới, mà chỉ xử lý những vấn đề còn ý kiến khác nhau mà các đại biểu đã nêu; đảm bảo tính tương thích với quy định của các luật có liên quan. Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp lần này, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2024, thì Chính phủ sẽ có 1 năm để chuẩn bị, xây dựng các văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các quy định trong Luật”, đại diện Cơ quan soạn thảo nhấn mạnh.

Tại Hội trường, đại diện Cơ quan soạn thảo đã giải trình và tiếp thu ý kiến của các đại biểu quan tâm, kiến nghị về nhóm vấn đề kiểm soát chất lượng KCB, phân cấp chuyên môn kỹ thuật, giá dịch vụ KCB, tài chính và tự chủ bệnh viện.

Trong đó, đối với vấn đề tự chủ bệnh viện, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, do liên quan đến nhiều luật hiện hành như Luật Viên chức, Luật Ngân sách, Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu…, nên Dự thảo Luật không bao phủ được hết và tháo gỡ toàn bộ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, mà chỉ quy định mang tính nguyên tắc. Về lâu dài, Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng Luật Đơn vị sự nghiệp công lập, như vậy sẽ gỡ vướng cho không chỉ cho các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành y tế mà của cả các ngành khác.

Giá dịch vụ KCB là nội dung nhận được nhiều quan tâm, nếu giải quyết được thì sẽ tháo gỡ được căn cơ những khó khăn, vướng mắc thời gian qua. Theo đó, Dự thảo Luật quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá, lộ trình thực hiện tính đúng tính đủ giá dịch vụ KCB và giao Chính phủ quy định, để đảm bảo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ BHYT và người dân.

Dự kiến, theo chương trình Kỳ họp, ngày 9/1, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Phiên bế mạc.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư