Mặc dù có trên 99% cử tri đi bầu nhưng số lượng đại biểu Quốc hội không được bầu đủ 500 như dự kiến. |
Chiều 9/6 Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp báo công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 14 và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Trước đó, thông tin từ cuộc họp sáng 8/6 cuả Hội đồng bầu cử quốc gia cho thấy số lượng đại biểu Quốc hội đã không đủ 500 vị như dự kiến, mặc dù Cần Thơ đã tổ chức bầu thêm hai người.
4 tỉnh thiếu mỗi nơi một đại biểu gồm có Sóc Trăng, Đồng Nai, Lâm Đồng và Sơn La.
Trong cơ cấu kết hợp, tỷ lệ người ngoài Đảng và người tự ứng cử trúng cử đều giảm một nửa so với Quốc hội khoá 13.
Trong 496 người trúng cử có toàn bộ 19 uỷ viên Bộ Chính trị và hơn 70 vị ủy viên Trung ương khác.
Quốc hội khoá mới lập kỷ lục về tỷ lệ đại biểu Đảng viên tới gần 96%.
Ở tỉnh cũng có khá nhiều đại biểu là cấp uỷ viên các cấp, gồm bí thư, phó bí thư, chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, uỷ viên ban thường vụ thành/tỉnh/huyện uỷ.
Hầu hết các tỉnh đều có lãnh đạo chủ chốt như bí thư, phó bí thư tỉnh uỷ hay chủ tịch UBND tỉnh tham gia Quốc hội.
Đà Nẵng là địa phương duy nhất trong số các thành phố trực thuộc Trung ương không có các ứng viên thuộc các vị trí chủ chốt nêu trên.
18 tướng lĩnh thuộc Bộ Quốc phòng (gồm Bộ trưởng và các quân khu, quân chủng - 15 người) và Bộ Công an (3 người) được Trung ương giới thiệu đều trúng cử.
Ngoài ra, ở địa phương còn có thêm nhiều đại biểu trong hai khối này là chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh/thành hay giám đốc công an tỉnh cũng trở thành đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ mới.
Với 160 người trúng cử, tỷ lệ đại biểu tái cử bằng số đã dự kiến nhưng lại giảm 7 người so với khoá 13.
Số lượng đại biểu tái cử không đều, ngoài Hà Nội và Tp.HCM có số lượng đại biểu đông (30 người) nên tỷ lệ tái cử cũng nhiều hơn, các tỉnh còn lại hầu hết có từ 1 - 4 vị. Riêng Cà mau có đến 5/7 đại biểu tái cử, gồm Bí thư Tỉnh uỷ Dương Thanh Bình, bác sỹ Trương Thị Yến Linh, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân, Phó trường đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trượng Minh Hoàng, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Ngọc Chương.
Khá nhiều tên tuổi quen thuộc trong số các vị tái cử như nhà sử học Dương Trung Quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, luật sư Trương Trọng Nghĩa, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc…
Trong danh sách trích ngang 496 người trúng cử đại biểu Quốc hội khoá 14 có một dòng dành để ghi nghề nghiệp, chức vụ.
Theo đó, từ Trung ương đến địa phương, hầu hết các vị trúng cử đều đang ở cương vị lãnh đạo, quản lý. Rất ít người có nghề nghiệp được ghi ngắn gọn là chuyên viên, giáo viên, bác sĩ hay công chức…
Đặc biệt, hai chữ nông dân chỉ xuất hiện một lần. Người nông dân duy nhất trúng cử làm đại biểu cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước là bà Triệu Thị Huyền, sinh ngày 23/3/1992. Bà huyền đang sống tại Thôn Khe Phưa, xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là người dân tộc Dao, giáo dục phổ thông 12/12.
Nghề nghiệp hiện tại là nông dân nhưng bà Huyền có trình độ học vấn là đại học sư phạm chuyên ngành văn - sử.
Như VnEconomy đã thông tin trước ngày bầu cử, tại đơn vị bầu cử số 2 của tỉnh Yên Bái có đến 3 nữ nông dân tuổi 9X (trong đó có hai người cùng một thôn) được giới thiệu tranh cử với một vị Ủy viên Bộ Chính trị và một vị tỉnh uỷ viên.
Bà Huyền là một trong số ba nữ nông dân ở đơn vị này trúng cử đại biểu Quốc hội khoá 14.