Quảng Trị đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang được tỉnh Quảng Trị kêu gọi và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được kỳ vọng sẽ đưa địa phương này ra khỏi mắt xích yếu về kết cấu hạ tầng giao thông.
Dự án Cảng hàng không Quảng Trị có tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng (ảnh phối cảnh Dự án)
Dự án Cảng hàng không Quảng Trị có tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng (ảnh phối cảnh Dự án)

Cho đến nay, tại khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Quảng Trị vẫn là địa phương có kết cấu hạ tầng giao thông đối ngoại hạn chế, ngoại trừ các dự án do Trung ương đầu tư như cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và Quốc lộ 1. Để thay đổi hiện trạng này, trong khi ngân sách địa phương và Trung ương hạn hẹp, Quảng Trị đã và đang kêu gọi các dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Dự án PPP (hợp đồng BOT) mà tỉnh Quảng Trị đã chọn được nhà đầu tư là Cảng hàng không Quảng Trị. Theo kế hoạch, Dự án sẽ được động thổ xây dựng vào hôm nay (15/12), vị trí xây dựng tại huyện Gio Linh, địa phương có khát vọng trở thành cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh Quảng Trị, giáp tỉnh Quảng Bình. Theo đánh giá của lãnh đạo Tỉnh, với vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng và được phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn, cảng hàng không này sẽ có sức lan tỏa đến cả khu vực và đưa Quảng Trị kết nối với quốc tế.

Cảng hàng không Quảng Trị do Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T - Công ty CP Tập đoàn Cienco4 thực hiện trong 2 năm. Ông Đỗ Quang Hiển, Nhà sáng lập, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Tập đoàn T&T Group khẳng định: “T&T Group quyết tâm huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư thành công Dự án, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương và cầu nối nhân dân cả nước, khu vực và quốc tế đến Quảng Trị”.

Theo thiết kế, với đường cất hạ cánh dài 2,4 km, rộng 45 m, Cảng hàng không Quảng Trị đáp ứng khai thác tàu bay A320, A321 và tương đương; đường bay có bán kính khoảng 5.000 - 7.000 km, có thể thiết lập đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... Không chỉ dừng lại ở đó, tỉnh Quảng Trị đã dành quỹ đất và đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho kéo dài đường cất hạ cánh từ 2,4 km lên 3,048 km, có thể khai thác tàu bay B777, B787, A350, khai thác các đường bay dài trên 10.000 km đến khu vực châu Âu, Bắc Mỹ…

Sau lĩnh vực hàng không, Quảng Trị có thêm nhà đầu tư đề xuất triển khai Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức PPP, có hỗ trợ ngân sách. Nhà đầu tư đề xuất là Tập đoàn Sơn Hải. Dự án đã hoàn thành nghiên cứu khả thi và đang tiến hành các bước tiếp theo. Với chiều dài khoảng 56 km, Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 14.466 tỷ đồng (chi phí xây lắp khoảng 11.529 tỷ đồng). Tập đoàn Sơn Hải cho biết, thời gian chuẩn bị Dự án từ 2023 - 2024, giai đoạn 2024 - 2027 sẽ bắt tay xây dựng và hoàn thành, thời gian hoàn vốn Dự án khoảng 26,7 năm.

Thu hút được nhà đầu tư vào dự án cảng hàng không và tuyến cao tốc, tỉnh Quảng Trị tiếp tục có văn bản đề xuất Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao UBND Tỉnh là cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi nhà đầu tư theo hình thức PPP đối với Dự án Đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D nối từ biển Mỹ Thủy - cửa khẩu quốc tế La Lay. Dự án có chiều dài tuyến khoảng 76 km, trong đó, 34 km từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đã giao Liên danh Công ty TNHH Nam Tiến - Công ty TNHH Phonesack Việt Nam nghiên cứu, khảo sát đề xuất đầu tư theo hình thức PPP. Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị, Liên danh đã báo cáo kết quả về quy mô đầu tư gần 6.500 tỷ đồng, thực hiện từ 2023 - 2026. “Đối với 42 km còn lại, từ Quốc lộ 1 - đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, UBND tỉnh Quảng Trị đã trình Chính phủ cho phép địa phương được lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP”, Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết.

Ngoài những dự án trên, Dự án Xây dựng kho bãi và hệ thống băng tải kết nối để vận chuyển than đá xuất nhập khẩu giữa Lào và Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế La Lay đang được Quảng Trị thu hút đầu tư theo hình thức PPP. Tuyến băng tải có tổng công suất vận tải 6.000 tấn/giờ, chiều dài dự kiến 5,5 km, tổng mức đầu tư dự kiến 1.840 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Trị cho biết, Dự án đã được Bộ Ngoại giao lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, trình Chính phủ xin chấp thuận chủ trương đề xuất đầu tư Dự án.

“Quảng Trị có vị trí trọng điểm trong khu vực miền Trung. Vì vậy, các dự án hạ tầng được đầu tư tại Quảng Trị sẽ kết nối giao thông theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây. Đối với cảng hàng không, từ Gio Linh sẽ về Quốc lộ 1 kết nối đường Hồ Chí Minh, nhập vào hệ thống giao thông Bắc - Nam; liên kết trục hành lang kinh tế Đông - Tây qua Quốc lộ 9 kết nối với cửa khẩu quốc tế Lao Bảo sang Lào, thu hút hàng hóa, đi lại của hành khách Tiểu vùng sông Mekong vào miền Trung Việt Nam, đồng thời mở cửa bầu trời đến với quốc tế”, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhận xét.

Trong khi đó, đối với Dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị kỳ vọng sẽ mở ra khả năng kết nối, đột phá và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế địa phương và khu vực Bắc Trung Bộ. Đồng thời, hiện thực hoá tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây gắn kết Việt Nam với các nước trong khu vực và kết nối hai bờ Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương thông qua các cảng biển Mỹ Thuỷ, Chân Mây - Lăng Cô, cảng Liên Chiểu, Tiên Sa (Đà Nẵng). “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo đã được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất và chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND Tỉnh chỉ đạo UBND Tỉnh đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét cho áp dụng cơ chế đặc thù với tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia trên 70%”, đại diện UBND tỉnh Quảng Trị cho biết.

Chuyên đề